VietinBank “nhập cuộc”, lãi suất huy động cao nhất nhóm Big 4 chỉ còn 5,5%/năm

VietinBank là thành viên cuối cùng trong nhóm Big4 đưa lãi suất tiền gửi cao nhất xuống còn 5,5%/năm.
vnp-viettin-bank20-1695118153.jpeg
Lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhóm Big 4 chỉ còn 5,5%/năm.

Ngày 19/9, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) công bố biểu lãi suất huy động mới với việc điều chỉnh giảm 0,2 – 0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,1% và 0,2%; các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vẫn được hưởng lãi suất 3%/năm.

Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 3,8% xuống 3,5%/năm, tương đương giảm 0,3 điểm %/năm. Tương tự, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm%, xuống còn 4,5%/năm.

Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang được VietinBank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 5,5%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước đó.

Như vậy, VietinBank là thành viên cuối cùng trong nhóm Big4 đưa lãi suất tiền gửi cao nhất xuống còn 5,5%/năm. Trước đó, 3 “ông lớn” khác là Vietcombank, Agribank và BIDV đã lần lượt công bố quyết định giảm lãi suất huy động.

Không chỉ nhóm Big 4, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1 – 0,5 điểm %, chủ yếu ở kỳ hạn trên 6 tháng.

Ngân hàng MB vừa có thông báo giảm lãi suất huy động lần thứ 2 kể từ đầu tháng 9. Theo biểu lãi suất huy động online mới nhất, lãi suất các kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,1 điểm %, xuống còn 3,6-3,8%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng còn 3,9-4%/năm. Tương tự, lãi suất các kỳ hạn từ 6-15 tháng cũng giảm 0,2-0,3 điểm %, dao động trong khoảng 5,2% - 5,7%/năm.

Đầu tuần này, ngân hàng SeABank cũng giảm lãi suất đồng loạt tại tất cả các kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng được ngân hàng điều chỉnh giảm 0,3 điểm % xuống còn 4,45%/năm. Các kỳ hạn tiền gửi online kỳ hạn 6-36 tháng giảm từ 0,2-0,3 điểm %. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,6%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 36 tháng.

Như vậy, có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động đã thu hẹp khoảng cách giữa các ngân hàng thương mại và gần như đã về tương đương với giai đoạn 2021.

Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/8 chỉ đạt 5,33% so với cuối năm 2022 (tương đương 9,87% so với cùng kỳ). Như vậy, tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng có cải thiện so với tháng trước (tăng thêm gần 92 nghìn tỷ đồng), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, với nguyên nhân đến từ phía cầu doanh nghiệp không hấp thụ được vốn trong khi thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng.

Ước tính toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2023, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Theo giới phân tích, nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 và đầu tháng 9 có thể sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới.

Linh Linh