Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt 4,6 tỷ USD

5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).
nong-san-dnktx1-1717749094.jpg
Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ hầu hết các loại nông sản của Việt Nam. Trong ảnh: Kiểm dịch xe hàng sầu riêng xuất khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Cơ hội thu tỷ USD hàng nông sản vào thị trường Trung Quốc

Mới đây, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thống nhất thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong thời gian tới.

Theo đó, hai bên sẽ sớm hoàn tất các Đối với mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 2 văn kiện này. Đồng thời, phối hợp để hoàn thiện Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc.

Phía Trung Quốc khẳng định sẽ giao các cơ quan kỹ thuật xem xét và sớm xử lý hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Hiện đã có nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó bao gồm: 12 mặt hàng rau quả (dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.

Đáng chú ý, mặt hàng sầu riêng đang ngày càng chiếm lĩnh được thị phần ở thị trường tỷ dân này. Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc từ thị trường này giảm mạnh. Tỷ trọng nhập khẩu sầu riêng tươi từ Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2024 giảm xuống còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu, giảm 26,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng khoảng 91% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

"Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh", Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định.

Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này. Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. 

nong-san-dnktx-1717749271.png
Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,3 tỷ USD.

Cần cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn cho công nghiệp chế biến

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá nhu cầu sầu riêng đã qua chế biến tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng do giá sầu riêng cao ít người có khả năng mua nguyên trái, trong khi đó giá sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng hơn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hơn, đây có thể là xu thế mới của thị trường mà chúng ta cần quan tâm.

Tuy vậy, ông Bình lưu ý cần đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan tới chất lượng sản phẩm. Theo đó, cần giám sát việc thực hiện các quy trình trong quá trình sản xuất từ việc sử dụng vật tư đầu vào, trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch (theo dõi, giám sát thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch của các mã số vùng trồng) để đảm bảo đủ chất lượng, an toàn và dễ dàng thuận tiện cho công tác truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, cần cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn cho công nghiệp chế biến để vừa đa dạng hóa các sản phẩm trái cây xuất khẩu vừa góp phần giảm tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tươi, sản phẩm thô đặc biệt là giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm mùa vụ./.

Trần Minh