Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng GDP nhanh nhất ASEAN

Theo dự báo của Maybank Research Pte Ltd, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, ước đạt 4,5 - 4,7% vào năm 2024.
viet-nam-tang-truong-dnktx1-1718202021.jpg
Chính phủ Việt Nam đã có những bước cải cách mạnh mẽ trong chính sách kinh tế.

Trong báo cáo có tựa đề “Vấn đề ASEAN: Những người tiên phong mới," các nhà nghiên cứu cho biết, sự phục hồi tăng trưởng GDP sẽ được thúc đẩy bởi sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng điện tử đang hỗ trợ sức phục hồi tăng trưởng khiêm tốn trong nửa đầu năm nay.

Đầu tư tư nhân đã tăng mạnh trong quý 1/2024 tại Việt Nam, cho thấy sự gia tăng cam kết FDI gần đây đang trở thành hiện thực.

Kết quả ấn tượng này cho thấy, Việt Nam đã thu hút được lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ vào môi trường đầu tư hấp dẫn, chính sách mở cửa và chi phí lao động cạnh tranh. Các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn từ các nước phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất.

Bên cạnh đó, việc tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như dệt may, điện tử, và nông sản.

viet-nam-tang-truong-dnktx-1718202004.jpg
Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực kinh tế.

Rõ ràng, Chính phủ Việt Nam đã có những bước cải cách mạnh mẽ trong chính sách kinh tế, từ việc cải thiện môi trường kinh doanh đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính sách tài khóa và tiền tệ cũng được điều chỉnh một cách linh hoạt để đối phó với các thách thức kinh tế toàn cầu.

Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ, đông đảo và có trình độ. Việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề đã giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại.

Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Sự phát triển của các khu công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo đã tạo ra một làn sóng mới trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều thách thức. Cơ sở hạ tầng cần tiếp tục được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển, vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cần được giải quyết một cách hiệu quả. Tiếp tục cải cách hành chính, giảm thiểu tham nhũng và tăng cường tính minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế.

Các chuyên gia dự báo, với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam có triển vọng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong những năm tới. Khả năng thích ứng nhanh chóng với các biến động kinh tế toàn cầu và sự quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam giữ vững vị trí trong top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN./.

Trần Minh