Việt Nam và Indonesia tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững

Việt Nam và Indonesia cùng tăng cường hợp tác trong đảm bảo an ninh lương thực, chia sẻ thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy cơ chế thương mại G2G, tiến tới thành lập quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo để gắn kết chặt chẽ giữa nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu gạo Indonesia với người trồng lúa Việt Nam.

Trên đây là một trong những nội dung được thảo luận tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman vào chiều 19/5.

hop-tac-nong-nghiep-03-1716166478.jpg
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai bên.

Mở ra những cơ hội mới trong hợp tác nông nghiệp

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đây là cuộc gặp quan trọng trong thời điểm hai nước vừa kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đây là cơ hội để hai Bộ trao đổi, thảo luận các định hướng hợp tác, mở ra trang mới trong hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Indonesia.

Để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị hai bên cùng chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đầu mối tích cực trao đổi, thông tin, hợp tác chia sẻ ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản hai nước, hướng tới cần bằng hơn trong thời gian tới.

Đề nghị hai bên phối hợp xây dựng Kế hoạch hành động sau khi ký kết Bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước mạnh mẽ hơn, đi vào thực chất và hiệu quả.

hop-tac-nong-nghiep-01-1716166515.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman chiều 19/5.

Hai bên cùng tăng cường hợp tác trong đảm bảo an ninh lương thực, chia sẻ thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy cơ chế thương mại G2G, tiến tới thành lập quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo để gắn kết chặt chẽ giữa nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu gạo Indonesia với người trồng lúa Việt Nam.

Về hợp tác phát triển thị trường thực phẩm Halal, hai bên cùng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối, phát triển thị trường thực phẩm Halal, tận dụng tốt nhất năng lực sản xuất cũng như điều kiện thị trường của mỗi nước. Bộ trưởng cũng đề nghị phía Indonesia tạo điều kiện để các sản phẩm Halal từ Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hai bên hợp tác thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal sang các nước thứ ba.

Ngoài ra, hai bên tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tham gia các Diễn đàn quốc tế và khu vực về lĩnh vực an ninh lương thực, nông nghiệp xanh, phát thải thấp, tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai.

Khởi xướng thành lập nhóm công tác nông nghiệp chung vì lợi ích hai nước

Về phía Indonesia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Andi Amran Sulaiman đề xuất hai bên tiếp tục gia hạn Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đã hết hạn vào tháng 6/2023, và khởi xướng thành lập nhóm công tác nông nghiệp chung. Đây là diễn đàn để hai nhóm kỹ thuật cùng nhau thảo luận, xác định cụ thể hợp tác nông nghiệp nhằm mang lại lợi ích chung cho cả hai nước.

Theo Chương trình ưu tiên phát triển nông nghiệp của Indonesia, nước này đã đạt được mục tiêu tự túc gạo giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, sự kiện El Nino diễn ra cũng như căng thẳng địa chính trị đã khiến sản lượng lúa gạo Indonesia giảm khoảng 4 triệu tấn, tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp nước này.

hop-tac-nong-nghiep-02-1716166557.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman (bên phải) tại cuộc hội đàm.

Bộ trưởng Sulaiman cho biết, để giải quyết các vấn đề do khủng hoảng gây ra cũng như dự đoán sớm khả năng hạn hán, lũ lụt, Chính phủ Indonesia đã có hành động nhanh, cụ thể trong ngắn hạn để tăng sản lượng lúa gạo quốc gia như mở rộng diện tích trồng trọt thông qua chương trình tối ưu hoá đầm lầy để trồng lúa ít nhất mỗi năm 1 lần. Bộ trưởng Indonesia mong muốn học hỏi từ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Indonesia cũng tăng cường các chương trình an ninh lương thực cho các mặt hàng như gạo, ngô, đậu nành bằng cách cung cấp đầu vào chất lượng cho nông dân, khuyến khích tăng cường sản xuất các mặt hàng chăn nuôi gia cầm, bò sữa, bò thịt và trứng.

Indonesia mong muốn trở thành nước cung cấp lương thực, thực phẩm toàn cầu vào năm 2033. Để đạt được mục tiêu này, tăng cường sản xuất là rất quan trọng, giảm nhu cầu nhập khẩu do hiện tượng El Nino và đạt được khả năng tự cung tự cấp cho số dân khoảng 278 triệu người.

hop-tac-nong-nghiep-04-1716166466.jpg
Indonesia mong muốn trở thành nước cung cấp lương thực, thực phẩm toàn cầu vào năm 2033. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Indonesia đề nghị Bộ NN&PTNT Việt Nam hỗ trợ chương trình ưu tiên giúp nông nghiệp Indonesia phát triển, trong đó, lúa gạo sẽ đa dạng hơn, chất lượng cao hơn, năng suất đạt khoảng 10 tấn/ha; phát triển máy móc nông nghiệp hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo ở khu vực đầm lầy; tăng cường biện pháp quản lý thủy lợi trong lĩnh vực nông nghiệp; số hoá và nông nghiệp chính xác.

Bộ trưởng Sulaiman cho rằng, với những mục tiêu đề ra, Indonesia mong muốn bắt tay “cụ thể, chặt chẽ” hơn với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai bên./.

Bình Châu