Yếu tố tác động đến đầu tư vào ngành điện tử tại Việt Nam
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), các yếu tố tác động đến đầu tư vào ngành điện tử tại Việt Nam bao gồm: Yếu tố lao động; Yếu tố chính sách và Yếu tố hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Về lao động, Điện tử là một trong những ngành thâm dụng lao động tại Việt Nam. Lực lượng lao động ngành điện tử lớn thứ ba trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ sau dệt may và da giày). Đây là một đặc thù riêng có của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam: vừa là ngành tập trung vốn, tập trung công nghệ, lại vừa là ngành tập trung lao động (Technology Intensive, Capital Intensive, Labor Intensive).
Về chính sách, theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử là một trong những ngành nghề được khuyến khích và được hưởng ưu đãi khi đầu tư của Chính phủ. Ngoài ra những dự án đầu tư có vốn lớn hơn 6.000 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 250 triệu USD) – các dự án lắp ráp lớn đầu tư vào Việt Nam trong ngành điện tử theo thống kê của HOUSELINK thường có mức vốn tương tự, cũng được hưởng ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.
Lợi nhuận của ngành như điện tử khoảng 10%
Một số các loại thuế được hưởng ưu đãi như: Thu nhập của các doanh nghiệp được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, trong đó, miễn thuế tối đa không quá 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 09 năm tiếp theo. Trong trường hợp dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn quy định tại phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì doanh nghiệp được chọn hưởng mức ưu đãi thuế thuế thu nhập doanh nghiệp có lợi nhất (Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư 83/2016/TT-BTC). Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định (Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư 83/2016/TT-BTC). Giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và được miễn giảm hoàn toàn nếu dự án đầu tư này thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Các nhà đầu tư cũng có thể đủ điều kiện được miễn thuế bổ sung khi họ đầu tư lần đầu: Miễn thuế 04 năm và giảm 50% trong 09 năm cho những người đủ điều kiện hưởng thuế suất thuế TNDN 10%; Miễn thuế 04 năm và giảm 50% trong 05 năm cho những hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Miễn thuế 02 năm và giảm 50% trong 04 năm khi hoạt động trong một số lĩnh vực hoặc trong một số khu công nghiệp.
Chuỗi cung ứng điện tử thông minh tại Việt Nam được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện. Theo sau các dự án FDI lớn về gia công lắp ráp của các ông lớn đầu chuỗi, những năm kế tiếp sau đó, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện/phụ kiện/cụm linh kiện gia tăng đáng kể.
Lợi nhuận của ngành như điện tử (cũng như ngành may mặc và da giày) tham gia vào quá trình lắp ráp cuối cùng ở Việt Nam là khoảng 5 đến 10%. Điều này có nghĩa là mặc dù có khối lượng xuất khẩu rất lớn, nhưng lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu là tương đối nhỏ.
Việc Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được minh chứng qua các khoản đầu tư lớn của các nhà cung cấp hàng đầu như: Foxconn, Pegatron,… Sự phát triển này đồng nghĩa với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.