Giải thưởng 'Làng du lịch tốt nhất thế giới' nhằm nâng cao vai trò của du lịch trong việc bảo vệ các làng quê vùng nông thôn như bảo vệ cảnh quan, hệ thống tri thức, sự đa dạng sinh học và văn hóa, bên cạnh đó còn có các hoạt động địa phương gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và ẩm thực.
Được biết, những ngôi làng được lựa chọn nhận giải cần có sự nổi bật về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, đồng thời có các hành động đổi mới, cam kết phát triển du lịch phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Năm nay, mỗi nước thành viên của UNWTO được đề cử 08 làng du lịch nhận danh hiệu "Làng Du lịch tốt nhất".
Các ứng viên đăng ký được đánh giá bởi Ban cố vấn độc lập dựa trên các bộ tiêu chí như: Tài nguyên văn hóa và thiên nhiên; phát huy và bảo tồn tài nguyên văn hóa; kinh tế bền vững; xã hội bền vững; môi trường bền vững; phát triển và liên kết chuỗi giá trị du lịch; quản trị và ưu tiên du lịch; cơ sở hạ tầng và kết nối; sức khỏe, an toàn và an ninh.
Tổng cục Du lịch đề nghị các Sở quản lý du lịch địa phương phổ biến thông tin và mời các làng du lịch trên địa bàn đăng ký tham gia giải thưởng "Làng Du lịch tốt nhất" của UNWTO.
Theo Ban Tổ chức, hồ sơ ứng cử bằng tiếng Anh, đề nghị các Sở gửi về Tổng cục Du lịch trước ngày 30/5/2023, để tổng hợp, lựa chọn.
Giải thưởng lần thứ 2 được tổ chức năm 2022 đã trao giải cho 32 làng từ 22 quốc gia trên thế giới, trong đó có làng Thái Hải của Việt Nam. Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt tại giải thưởng danh giá này. Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải mang đậm nét văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc Tày tại Thái Nguyên. Được xây dựng năm 2002, tiếp đón du khách đến tham quan từ năm 2014, Thái Hải có diện tích khoảng 25ha bao bọc trong không gian núi đồi, cỏ cây, hoa lá và hồ nước lớn. Trong làng hiện có 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm.
Những gia đình sống trong nhà sàn luôn cùng nhau duy trì và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống như ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghi lễ, trang phục. Họ vẫn tiếp tục phát huy những tiềm năng văn hóa địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo như tổ chức các lễ hội tâm linh truyền thống hoặc lựa chọn những người dân có kiến thức văn hóa và kỹ năng ngôn ngữ để làm hướng dẫn viên du lịch. Khách du lịch ghé thăm làng Thái Hải sẽ được ở trong những ngôi nhà sàn của người dân địa phương để du khách có thể tìm hiểu về ẩm thực, văn hóa hay các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi và nghề thủ công của dân tộc Tày.