Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Nơi đây có hơn 10 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đa phần là đồng bào Mông. Đây là một vùng đặc biệt của đất nước với phần lớn diện tích là đá. Đá là một đặc trưng, là di sản sinh ra những di sản cho miền đất khó khăn bậc nhất cả nước.
Cao nguyên đá Đồng Văn được coi là một nơi còn bảo tồn được khá nguyên vẹn cảnh quan thiên nhiên với điệp trùng núi đá hùng vĩ, một trang trong lịch sử phát triển của trái đất. Những giá trị phong phú về địa chất, địa mạo, cổ sinh còn lưu giữ ở đây qua hàng triệu năm vẫn đang được các nhà khoa học khám phá, khai mở, đem đến những ngạc nhiên lớn cho những người quan tâm và tâm huyết với thiên nhiên.
Ở Cao nguyên đá Đồng Văn, con người được sinh ra và sống cũng thật đặc biệt. Người ta vẫn thường nói, người Cao nguyên đá Đồng Văn “Sống trên đá, chết nằm trong đá”. Sống trên đá đã tạo nên kỹ năng và sức sinh tồn kỳ diệu của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Con người vẫn kiên cường đứng giữa những rừng đá, sa mạc đá triệu tuổi để sản sinh ra những bản sắc đặc biệt, một không gian sinh hoạt văn hóa vùng đá.
Ở nơi đây, ngoài đồng bào Mông chiếm đa số, còn có những dân tộc khá ít người của cả nước như Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, Bố Y, Xuồng, Giáy. Tất cả cố kết trong một cộng đồng bền chặt, vượt qua thách thức của hàng ngàn năm dựng và giữ nước. Đồng bào các dân tộc sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn bám đá, giữ đá gửi cả tâm hồn vào đá, đá và người cùng trở thành phên dậu của đất nước.
Chính những giá trị địa chất, địa mạo, những cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng với không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đã mang đến cho vùng đất này một tiềm năng phát triển du lịch cũng đặc biệt. Theo thống kê, lượng khách trong nước và quốc tế đến với Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng tăng lên qua các năm. Đáp ứng với triển vọng phát triển và để Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn xứng tầm là Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam, ngày 07/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 310 về việc “Phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030”.
Qua đó, mục tiêu quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Cao nguyên đá Đồng Văn như một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc dưới dạng các công viên chuyên đề như: Công viên văn hóa, công viên địa sinh học và công viên khoa học địa chất. Khai thác các giá trị di sản thông qua quy hoạch đầu tư, phát triển dưới dạng mô hình kinh tế du lịch; thu hút người dân tham gia làm du lịch cộng đồng.
Qua việc quy hoạch, biến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch Quốc gia. Đưa nơi đây trở thành đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền núi Bắc Bộ. Từ đó, phát triển kinh tế nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị một cách bền vững của vùng trung du và vùng núi phía Bắc.
Có thể nói, việc trở thành thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể tôn tạo, phát triển đã mở ra một cơ hội lớn cho quá trình hội nhập, phát triển của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung. Với sự quan tâm lớn của Trung ương thông qua việc quy hoạch tổng thể sẽ tạo ra một sức hút đầu tư lớn đối với vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển cho vùng đất khó khăn này.
Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu là nỗ lực chung của cả nước, vì thế, việc giữ vững tư cách thành viên của Mạng lưới cũng là trách nhiệm chung của cả nước. Muốn như vậy, cần phải tận dụng các tiềm năng, lợi thế vốn có, biến nó trở thành cơ hội phát triển. Để từ đó, xây dựng và giữ được các tiêu chí của Hội đồng thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền đã xây dựng và thực hiện khá thành công Nghị quyết chuyên đề về “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 - 2020”. Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh luôn nhấn mạnh, trong điều kiện một tỉnh khó khăn như Hà Giang, cái làm được tốt nhất của địa phương là công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và tôn tạo các giá trị di sản. Tiếp đó là một số chính sách ưu tiên thu hút đầu tư của địa phương và cả nước.
Để biến vùng Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một địa bàn có cơ hội đầu tư thực sự, không chỉ bảo tồn di sản, phát triển du lịch mà còn là việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho 4 huyện thuộc diện 30a, rất cần một cơ chế đặc thù của Trung ương dành cho Hà Giang và Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong đó, cần ưu tiên trước hết là đường giao thông, ưu tiên đầu tư về xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực, các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới... trở thành điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch vùng du lịch trọng điểm. Các chính sách đầu tư sẽ gắn liền với các mục tiêu về đảm bảo an ninh - quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn.
Đến đây ta càng cảm nhận, đất nước Việt Nam trải qua hơn bốn nghìn năm giữ nước và dựng nước. Trang sử hào hùng ấy được ghi lại bằng nhiều loại hình sử liệu khác nhau: Di tích - di vật, hình ảnh, chữ viết, ngôn ngữ… Trong số những nguồn sử liệu ấy thì di tích lịch sử - văn hóa đóng vai trò như một nguồn sử liệu vật chất quan trọng.
Các dữ liệu ấy cho chúng ta những thông tin trực tiếp từ những hoạt động của con người trong quá khứ mà nhiều nguồn sử liệu khác không hoặc không có điều kiện đề cập tới. Thông tin từ những nguồn sử liệu này đã giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử có những bằng chứng để khẳng định thêm sự có mặt của nhóm cộng đồng cư dân đã sinh sống và tồn tại trên mảnh đất này.
Các di tích lịch sử văn hóa với các loại hình di tích lịch sử (lịch sử truyền thống, cách mạng kháng chiến, lưu niệm danh nhân), di tích kiến trúc nghệ thuật (đình, chùa, đền, thành lũy, nhà cổ), di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh...
Công tác bảo tồn và phát huy bao gồm các nhiệm vụ: Kiểm kê di tích, lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng và cấp bằng công nhận di tích Quốc gia và di tích cấp tỉnh nhằm đảm bảo tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị cũng như quản lý di tích về lâu dài. Bên cạnh đó là công tác trùng tu tôn tạo di tích, xây dựng bản đồ số hóa khoanh vùng bảo vệ di tích. Tất cả những hoạt động ấy đều nhằm một mục tiêu phát triển. Để vùng đất này thực sự có cơ hội hội nhập với cả nước và quốc tế./.