Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác hải quan góp phần xây dựng ASEAN gắn kết và tự cường

Việc hoàn thiện mạng lưới các hiệp định tránh đánh thuế trùng trong ASEAN đã khuyến khích các hoạt động kinh tế xuyên biên giới và tạo thuận lợi cũng như minh bạch môi trường đầu tư tại các quốc gia ASEAN.

Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 28 diễn ra vào ngày 5/4, tại Luang Prabang (Bắc Lào).

hop-tac-hai-quan-asean-02-1712304697.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 28.

Hội nghị đã nghe báo cáo về hoạt động của các nhóm công tác về hợp tác tài chính ASEAN, bao gồm tài chính cho cơ sở hạ tầng, hợp tác bảo hiểm, tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai (ADRFI), hợp tác hải quan, diễn đàn thuế ASEAN; Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF).

Các bộ trưởng ghi nhận các kết quả hợp tác quan trọng đạt được kể từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 27; khẳng định các sáng kiến hợp tác tài chính khu vực ASEAN năm 2023-2024 đã tạo môi trường thương mại, đầu tư thuận lợi, tạo dựng thị trường tài chính hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giúp phục hồi năng lực sản xuất của các nền kinh tế các nước ASEAN trong điều kiện rủi ro khí hậu và thiên tai gia tăng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế chính sách quản lý hải quan trong vai trò kết nối thương mại; hoan nghênh sáng kiến của Lào về Hoàn thành việc nghiên cứu kỹ thuật trong Cơ chế Một cửa ASEAN thế hệ mới, đề nghị ASEAN thúc đẩy hiện đại hóa và huy động nguồn lực cho Cơ chế Một cửa ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.

hop-tac-hai-quan-asean-01-1712304740.jpg
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 28.

Theo Bộ trưởng, việc hoàn thiện mạng lưới các hiệp định tránh đánh thuế trùng trong ASEAN đã khuyến khích các hoạt động kinh tế xuyên biên giới và tạo thuận lợi cũng như minh bạch môi trường đầu tư tại các quốc gia ASEAN.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cải cách thuế quốc tế diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trong những năm gần đây, ASEAN cần ưu tiên thảo luận về cách thức tham gia vào cải cách thuế quốc tế, hay cách thức thực thi cải cách thuế quốc tế tại mỗi quốc gia thành viên cũng như khu vực sao cho hiệu quả, duy trì được vị thế khu vực ASEAN là điểm đến đầu tư hấp dẫn; tiếp tục triển khai tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính chuyển đổi gắn với 4 yêu cầu về ổn định, công bằng, đáng tin cậy và với chi phí hợp lý, đặc biệt là cần đảm bảo giá các dịch vụ hạ tầng thiết yếu như năng lượng, điện đảm bảo được yếu tố giá thành đáp ứng nhu cầu của người dân.

hop-tac-hai-quan-asean-03-1712304788.jpg
Các trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm sau Hội nghị AFMM 28.

Nhấn mạnh việc hợp tác tài chính trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giúp ASEAN khai thông nguồn lực để hoàn thiện kết nối cứng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với AIF để đề xuất thêm các dự án mới huy động vốn từ Quỹ trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhấn mạnh trong năm 2024, Việt Nam mong muốn được đóng góp hơn nữa vào thúc đẩy hợp tác hải quan ASEAN thông qua việc đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch và đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 vào tháng 6/2024 tại Phú Quốc./.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần này mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Chuỗi hội nghị Bộ trưởng Tài chính là sự kiện quan trọng nhất trong các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN trong năm nay. Tại hội nghị này, các Bộ trưởng Tài chính của 10 nước ASEAN có cơ hội gặp gỡ và trao đổi về các vấn đề quan trọng trong hợp tác ASEAN và đưa ra định hướng chỉ đạo cho các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

Việc các Bộ trưởng Tài chính ASEAN gặp nhau trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhiều khó khăn thách thức, khẳng định quyết tâm của các cơ quan tài chính ASEAN tăng cường hợp tác, cùng nhau giải quyết các thách thức chung của khu vực; đồng thời truyền đi thông điệp tích cực về một ASEAN gắn kết và tự cường, đúng như chủ đề ưu tiên của năm ASEAN 2024.

Bình Châu