Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học đã trao đổi quan điểm nghiên cứu cùng những thành quả đạt được về cao su thiên nhiên - nguyên liệu xanh. Hội thảo cũng tổ chức tham quan một nhà máy sản xuất cao su của Việt Nam, qua đó giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về tình hình ngành công nghiệp cao su Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Phan Trung Nghĩa, Quản lý dự án INBERBON (Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ kết nối được các chuyên gia từ bốn nhóm nghiên cứu của cả hai bên để mang lại kết quả sớm nhất cho dự án và hơn nữa để có thể sớm triển khai được các ứng dụng công nghiệp”.
Dự án này thuộc loại hình SATREPS được JICA và JST hỗ trợ, triển khai từ ngày 10/02/2023 và sẽ kéo dài trong 5 năm. Dự án hướng tới phát triển dây chuyền công nghệ sản xuất cao su thiên nhiên không chứa protein tại Việt Nam, nhằm mở rộng phạm vi sử dụng cao su thiên nhiên thông qua đăng ký tiêu chuẩn ISO và cải thiện quy trình sản xuất cao su thiên nhiên tại Việt Nam.
Các nghiên cứu thuộc khuôn khổ dự án sẽ tập trung vào nguồn tài nguyên sinh học bền vững của cao su thiên nhiên và nhằm mục đích xây dựng nền tảng công nghiệp mới cho nguyên liệu này. Trong giai đoạn ban đầu, dự án sẽ phát triển công nghệ sản xuất hàng loạt cao su thiên nhiên không chứa protein (hàm lượng nitơ: 0,004W/w%), đồng thời đẩy mạnh hoạt động đăng ký bằng sáng chế sở hữu trí tuệ liên quan và tiêu chuẩn hoá quốc tế công nghệ này. Nguyên liệu cao su thiên nhiên không chứa protein sau đó sẽ được dùng trong sản xuất xe ô tô, hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế công nghệ phân huỷ sinh học cao su thiên nhiên cũng như phát triển công nghệ xử lý nước thải hoà hợp với môi trường, từ đó hình thành ngành cao su thiên nhiên thay thế ngành cao su tổng hợp truyền thống, cũng như các ngành bảo tồn môi trường liên quan. Thông qua những nỗ lực trên, việc thay thế cao su tổng hợp có nguồn gốc hoá thạch bằng cao su thiên nhiên trong sản xuất xe ô tô có thể góp phần giảm lượng phát thải khí CO2 trong tương lai.
GS. Yamaguchi Takashi - Giám đốc Dự án phía Nhật Bản cho biết: “Dự án lần này là hoạt động tiếp nối cho dự án “Tạo lập hệ thống vòng khí thải carbon với cao su thiên nhiên (Pha I)” đã được triển khai từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2016. Pha I với mục đích hỗ trợ phía Việt Nam thực hiện kế hoạch thay thế cao su tổng hợp có nguồn gốc hoá thạch bằng cao su thiên nhiên đã giúp nâng cao năng lực của các cơ quan thực hiện phía Việt Nam trong việc nâng cao tính an toàn của sản phẩm cao su cũng như thúc đẩy việc thay thế trên”.
Được biết, thời gian tới Jica sẽ tích cực làm việc với Chính phủ Việt Nam, các cơ quan thực hiện có liên quan nhằm tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết lập chu trình khí thải carbon toàn cầu với cao su thiên nhiên.