Ban thư ký ASEAN (ASEC) phối hợp với Dự án Hợp tác ASEAN - Đức về thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững trong ASEAN (ASEAN AgriTrade) đã tổ chức hội thảo khu vực về nghiên cứu khử carbon trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Ngày 23/2, phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Phạm Quang Minh, Vụ trưởng Lương thực và Nông lâm nghiệp (FAFD) của ASEC, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các lĩnh vực này đối với việc khử carbon như một phần của chiến lược trung hòa carbon trong khu vực. Tiến sĩ Phạm Quang Minh cho biết xuất phát từ việc nông lâm nghiệp và sử dụng đất là nguyên nhân chính gây ra phát thải khí nhà kính kéo theo biến đổi khí hậu toàn cầu, ASEAN coi khử carbon trong các lĩnh vực nông - lâm - nghiệp là một trong những ưu tiên hợp tác chính.
Ông Florian Miss, Cố vấn chính của dự án Agritrade ASEAN, khẳng định biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với khu vực và đã ảnh hưởng đến hệ thống lương thực bền vững. Ông đồng thời hoan nghênh sáng kiến thúc đẩy các lộ trình khử carbon và ủng hộ các nỗ lực của khu vực theo hướng này.
Hội thảo đã đưa ra một số khuyến nghị ban đầu nhằm khử carbon trong lĩnh vực nông - lâm - nghiệp, bao gồm giảm các trang trại sử dụng nhiều hóa chất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (như nước, đất và phân bón) và thúc đẩy các kỹ thuật quản lý đất bền vững, ví dụ nông - lâm kết hợp.
Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao khả năng phục hồi nông nghiệp bằng cách giảm thiểu các hoạt động không bền vững, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn và bền vững với các giải pháp dựa vào thiên nhiên, các phương pháp tiếp cận canh tác dựa vào hệ sinh thái và thực hành nông nghiệp thông minh.
Các đại biểu cũng đề xuất các sáng kiến quan trọng đối với lĩnh vực sử dụng đất, bao gồm tăng cường quản lý rừng bền vững và giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững, và tăng khả năng tích trữ carbon của rừng.
Hội thảo cung cấp cái nhìn tổng quan về tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực nông - lâm - nghiệp, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này, các lộ trình và phương pháp tiếp cận khử carbon, cũng như các khuyến nghị chính sách đối với nỗ lực khử carbon trong khu vực ASEAN.
Để bổ sung cho nghiên cứu cụ thể này, hiện ASEC đang phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN thực hiện một nghiên cứu về chiến lược khử carbon trong nông nghiệp với sự hỗ trợ từ chương trình Công cụ đối thoại khu vực EU-ASEAN tăng cường (E-READI).