Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 cho thấy, nhờ việc mở cửa và thúc đẩy du lịch, thị trường F&B (ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống) và lưu trú Việt Nam đang khởi sắc với những dấu hiệu tích cực. Doanh thu ngành F&B tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao gần 610 nghìn tỷ, dự báo tăng trưởng 18% trong năm 2023 và đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.
Cũng theo dự báo của Statista, thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96,47 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2027 đạt khoảng 8,22%/năm.
So sánh trong phạm vi Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam 2023 dự kiến xếp thứ ba, chỉ sau Indonesia và Philippines. Trong số các phân khúc của ngành thực phẩm Việt Nam, phân khúc bánh kẹo và đồ ăn nhẹ chiếm tỉ trọng lớn nhất là 14,6%, với khối lượng thị trường đạt khoảng 14,13 tỉ USD trong năm 2023.
Xét trên phân khúc đồ uống, số liệu của Statista cũng dự báo, doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 27,121 tỉ USD, trong đó, phân khúc đồ uống không cồn đóng góp tỷ trọng cao nhất ở mức 37,7%, cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam nổi tiếng với nền ẩm thực đặc sắc, bên cạnh đó, ẩm thực quốc tế vẫn luôn được đón nhận rộng rãi trên thị trường Việt Nam, khi mang sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến thị hiếu của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt. Với gần 100 triệu người tiêu dùng, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, phát triển lớn cho các doanh nghiệp quốc tế trong ngành thực phẩm, nhà hàng và khách sạn…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đồ uống thường chịu tác lớn khi biến đổi khí hậu phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn nguyên liệu. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần hướng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh theo chiến lược bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thích ứng nhanh với những thay đổi thói quen tiêu dùng.