Ngày Quốc tế Xóa nghèo 17/10 hằng năm là dịp để thế giới nhìn lại những nỗ lực trong công cuộc giảm nghèo, cải thiện đời sống cho các cộng đồng khó khăn. Với Nghị quyết 47/196 thông qua vào ngày 22/12/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 17/10 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa nghèo và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng kỷ niệm ngày này, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng nước mà tiến hành các hoạt động cụ thể nhằm loại bỏ nghèo đói và khổ đau. Năm nay, chủ đề Ngày Quốc tế xóa nghèo là "Chấm dứt ngược đãi xã hội và thể chế, hành động cùng nhau vì xã hội công bằng, hòa bình và hòa nhập".
Xóa đói giảm nghèo là một thành tựu nổi bật ở Việt Nam
Xóa đói giảm nghèo là một thành tựu nổi bật ở Việt Nam trong gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Mọi sự phát triển sẽ trở nên vô nghĩa nếu như chỉ tập trung ở khu vực đô thị mà không trải đều và rộng khắp đến các vùng nông thôn hẻo lánh. Chính sách giảm nghèo là chính sách quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tiếp tục làm rõ những thành tựu trong bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo mới đây cho thấy ước tính tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước năm 2023 giảm còn 2,93% và giảm xuống 0,9% vào cuối năm 2025.
Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2% và đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cuối năm 2023 đã có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao…
Để có thành tựu đó, cả hệ thống chính trị đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Trong số đó, trọng tâm là ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các biện pháp giảm nghèo mới cũng ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, thông tin, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; đồng thời, hỗ trợ các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững.
Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách cũng như nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 1/2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.
Trong số đó, Bộ yêu cầu chỉ đạo tổ chức công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm một cách thực chất, khách quan, công bằng theo quy trình quy định. Bảo đảm kết quả giảm nghèo hàng năm phải phản ánh được mức độ cải thiện các chiều thiếu hụt, tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân.
Đối với các huyện nghèo, ngoài việc đánh giá kết quả giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm đánh giá mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm, riêng đối với 22 huyện nghèo phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020.
Chỉ đạo đổi mới phương thức, cách thức, hoạt động đào tạo nghề; phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, sinh kế gắn với kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Thành công của Việt Nam trong các chương trình giảm nghèo được công nhận rộng rãi
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đã có bài viết “Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo: Những hình thức nghèo đói mới” nhìn lại những thành tựu và thách thức trong quá trình giảm nghèo ở Việt Nam.
Bà Ramla Khalidi đánh giá thành công của Việt Nam trong các chương trình giảm nghèo được công nhận rộng rãi. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo cùng cực ở Việt Nam đã giảm từ 45% năm 1992 xuống chỉ còn 1% hiện nay.
Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc tích hợp các biện pháp giảm nghèo đa chiều vào chính sách quốc gia, không chỉ về thu nhập mà còn bao gồm cả các yếu tố như tiếp cận y tế, giáo dục, vệ sinh và nước sạch. Từ năm 2016, Chính phủ đã theo dõi chặt chẽ các chỉ số nghèo đa chiều, sử dụng các chỉ số đó để thực hiện các chương trình giảm nghèo khu vực và quốc gia.
Theo nghiên cứu của UNDP và Sáng kiến Nghèo đói và Phát triển Con người của Oxford, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã giảm 50% chỉ số nghèo đa chiều (MPI). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm xuống còn 2,9% dân số.
Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bền vững cùng với việc tạo công ăn việc làm chính là động lực giảm nghèo. Sự chuyển dịch ổn định từ nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ đã gia tăng tỷ lệ người lao động có thu nhập ổn định, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp.
Chính phủ đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc giảm nghèo thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển nông thôn, cũng như các chương trình chính thống nhằm đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục và y tế.
Bà Ramla Khalidi cho rằng Việt Nam có nhiều điều đáng tự hào về giảm nghèo. Những lợi ích của phát triển kinh tế đã được chia sẻ công bằng và chỉ còn một số ít người đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên những mối đe dọa mới đối với cuộc sống của người dân liên tục xuất hiện, cần kịp thời điều chỉnh chính sách để có thể ứng phó với những thách thức này.
“Giờ đây, khi nghèo đói cùng cực gần như đã được xóa bỏ, Việt Nam chuyển sang giải quyết các nguy cơ khác liên quan đến biến đổi khí hậu, thách thức môi trường, thay đổi cơ cấu dân số, thay đổi công nghệ và bất bình đẳng giới”, bà nói./.