Quy định về khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng

Rừng là một nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia nên việc triển khai các hoạt động lâm nghiệp như quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đều phải đáp ứng những quy định của pháp luật?
r-1696553261.jpg
Quy định về khai thác lâm sản trong rừng sản xuất và rừng trồng.

“Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác. Trong đó, thành phần chính của rừng là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc các hệ thực vật khác.” Ngoài ra để được gọi là rừng thì cần đáp ứng hai điều kiện khác là có diện tích liên vùng từ 0.3 ha trở lên và độ tàn che từ 0.1 trở lên. Hiện nay, căn cứ vào mục đích sử dụng chúng ta phân loại rừng thành ba loại rừng cơ bản bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

Trong đó rừng sản xuất được hiểu là loại rừng phục vụ chủ yếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm sản hoặc kết hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, ngư nghiệp. Thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Trong rừng sản xuất căn cứ vào độ tàn che, diện tích và chiều cao trung bình của cây rừng mà rừng được chia thành rừng tự nhiên và rừng trồng. Trong đó: Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung; Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng. Như vậy, từ khái niệm ta có thể thấy rừng trồng bao gồm 04 loại là rừng trồng mới trên đất chưa có rừng, rừng trồng lại sau khai thác hoặc do các nguyên nhân khác, rừng trồng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng trồng tái sinh sau khai thác.

Tiêu chí để xác định rừng trồng được quy định tại điều 05 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Lâm nghiệp như sau: Độ tàn che của cây rừng trồng từ 0,1 trở lên; Diện tích liền vùng từ 0,3 trở lên; Đáp ứng điều kiện về chiều cao trung bình của cây rừng, cụ thể được phân chia theo các điều kiện lập địa như sau: Rừng trồng trên đồi, núi đất và đồng bằng, trên đất ngập phèn thì chiều cao trung bình của cây rừng từ 5m trở lên; Rừng trồng trên núi đá có đất xen kẽ, trên đất ngập nước ngọt thì chiều cao trung bình của cây rừng từ 2m trở lên; Rừng trồng trên đất cát, đất ngập mặn thì chiều cao trung bình của cây rừng từ 1m trở lên.

Việc giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng được nhà nước quy định tại khoản 2 điều 135 luật Đất đai năm 2013 như sau: Hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao không quá 30 hecta đất rừng sản xuất để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Nếu hộ gia đình, cá nhân có phần diện tích đất rừng sản xuất vượt quá hạn mức được giao thì phải chuyển sang thuê đất; Đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng; Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

Quy định về khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng:

Trên cơ sở quy định tại điều 2 luật Lâm nghiệp năm 2017 ta có thể hiểu lâm sản là các sản phẩm khai thác từ rừng như động, thực vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến. Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng được quy định như sau: Chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình. Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, luật này cũng khẳng định chủ rừng có quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng. Các quyền này bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với cây trồng, vật nuôi và tài sản gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư trong thời gian được giao, được thuê để trồng rừng. Như vật, có thể nói việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng là một trong những quyền của chủ rừng và chủ rừng sẽ được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản từ việc khai thác nếu rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư.

Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc được hỗ trợ đầu tư, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định và sau khi khai thác chủ rừng sẽ được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước. Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng. Bên cạnh đó điều 29 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Lâm nghiệp cũng quy định việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng sẽ bao gồm các hoạt động là khai thác gỗ rừng trồng, khai thác tận dụng gỗ rừng trồng, khai thác tận thu gỗ rừng trồng, khai thác các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Thứ nhất, khai thác gỗ rừng trồng: Để thực hiện khai thác gỗ rừng trồng chủ rừng cần đáp ứng điều kiện như sau: Tiến hành trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp hoặc tái sinh rừng sau khi khai thác trắng; Chủ rừng phải lập phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đối với loại hình khai thác này chủ rừng có thể quyết định khai thác trắng theo băng, đám hoặc khai thác toàn bộ diện tích rừng.

Thứ hai, khai thác tận dụng gỗ rừng trồng: Khai thác tận dụng gỗ rừng trồng là việc chủ rừng được tận dụng những cây gỗ trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh, nghiên cứu khoa học và giải phóng mặt bằng các dự án khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Hình thức khai thác tận dụng gỗ rừng trồng có những điều kiện sau: Rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Dự án lâm sinh; Chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, khai thác tận thu gỗ rừng trồng: Khai thác tận thu gỗ rừng trồng là việc chủ rừng được thu gom những cây gỗ bị đổ, gãy, hoặc cây bị chết do thiên tai, cây chết vì khô mục hoặc bị cháy. Khai thác tận thu có thể thực hiện tại những khu rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có báo cáo khối lượng, địa danh khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ tư, khai thác các loài nguy cấp, quý, hiếm: Việc khai thác các loài động vật, thực vật là loài nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Pháp luật về Lâm nghiệp đã đưa những quy định khá chặt chẽ đối với việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng.

Cụ thể ta có thể thấy trong Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính Phủ đã quy định rất chi tiết về các hình thức khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng, cũng như chỉ rõ đối tượng khai thác, điều kiện thực hiện đối với từng loại hình khai thác. Vậy nên, để tiến hành khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thì chủ rừng cần phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện và quy định cụ thể đã được nêu trên. Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về việc khai thác lâm sản thì tùy vào mức độ và hậu quả sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật đối với hành vi của mình.

ThS sỹ Đinh Thùy Dung