Trồng rừng gỗ lớn bền vững từ tầm nhìn và chính sách

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000ha. Trồng rừng gỗ lớn không chỉ thúc đẩy xuất khẩu lâm sản mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân.
trong-rung-go-lon-01-1708920998.jpg
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha. (Ảnh minh họa)

Chiến lược phát triển trồng rừng gỗ lớn

Đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030”. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450.000 - 550.000ha.

Cùng với đó, Bộ đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 - 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Kế hoạch cũng vạch rõ 6 vùng trồng tập trung 500.000ha rừng mới. Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc 130.000 - 146.000ha; vùng đồng bằng sông Hồng 6.000 - 9.000ha; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 280.000 - 348.000ha; vùng Tây Nguyên 25.000 - 35.000ha; vùng Đông Nam bộ 7.500 - 10.000ha; vùng Tây Nam bộ 1.500 - 2.000ha.

Các giống cây được chọn yêu cầu phải có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, ưu tiên phát triển giống bằng phương pháp mô, hom.

Ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, khâu chọn lựa giống cho rừng trồng hết sức quan trọng, bởi nhiều nghiên cứu của Viện đã chỉ ra thực tế - năng suất rừng trồng đang có sự suy thoái.

"Tỷ lệ giống cây rừng được bà con sử dụng có nguồn gốc xuất xứ hiện chưa cao. Chưa kể, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn thấp. Đa số sử dụng giống cây rừng trôi nổi, chất lượng giống chưa được kiểm soát, nên có xu hướng suy thoái năng suất. Giống mới chúng ta có tương đối nhiều, nhưng thực tế là chưa chuyển giao được một cách tương xứng, vì bà con quen sử dụng giống lâu năm như keo lai nên không chịu thay đổi", ông Đồng nói.

trong-rung-go-lon-02-1708921029.jpg
Người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn. (Ảnh minh họa)

Sau một thời gian nghiên cứu và sưu tầm công phu, Viện Khoa học Lâm nghiệp đã tập hợp các giống cây rừng năng suất vào tài liệu dạng sổ tay để phổ biến cho người dân ở từng địa phương. Trong tài lệu này, các giống cây trồng được chú thích rõ: thích hợp trồng ở vùng nào, năng suất bao nhiêu, thích ứng khí hậu ra sao để người trồng rừng có chọn lựa phù hợp.

Ngoài 2 loài phổ biến là keo và bạch đàn, ông Đồng lưu ý người dân có thểm trồng thêm các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng như sâm Lai Châu, tam thất hoang, khôi tía, sa nhân, ba kích, thảo quả, và nhiều loại cây dược liệu khác như đẳng sâm, bách bộ, kim tuyến… Một số loài vừa cho gỗ vừa cho hạt có giá trị cao gồm dẻ Trùng Khánh, mắc ca, sơn tra, trám đen, trám trắng, dổi ăn hạt, cây óc chó...

Để việc trồng rừng gỗ lớn bền vững, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khuyến cáo doanh nghiệp, người dân quan tâm hơn nữa tới hạ tầng lâm nghiệp. Một số khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên có nhiều dư địa về trồng rừng nhưng hiện chưa phát triển vì khai thác gỗ từ núi cao thì bị đội chi phí vận chuyển.

Tháo gỡ khó khăn cần có thêm chính sách hỗ trợ trồng rừng

Việt Nam là quốc gia đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản, gỗ, việc đảm bảo các chứng chỉ rừng bền vững càng có vai trò quan trọng. Để đưa nhiều sản phẩm vào Mỹ, các thị trường khó tính, đều đòi hỏi cần các chứng chỉ rừng bền vững giúp gia tăng giá trị sản phẩm lâm sản, tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Phân tích về khó khăn, vướng mắc trong rừng trồng gỗ lớn, ông Vũ Thanh Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp cho rằng, trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiệu quả của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định, song loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng.

Chỉ rõ thêm những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ rừng hiện nay, ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng phòng Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Kiểm lâm cho biết: Trong khâu quản lý bảo vệ rừng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều thành tích về bảo vệ rừng, số vụ cũng như các thiệt hại năm sau đều giảm hơn năm trước theo thống kê của Cục Kiểm lâm. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những vụ phá rừng, cháy rừng làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng cũng như tài sản của nhân dân, đất nước.

trong-rung-go-lon-03-1708921060.jpg
Để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cần có thêm chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia. (Ảnh minh họa)

Theo ông Vũ Thành Nam, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng như hỗ trợ 8 triệu đồng/ha để bà con trồng rừng gỗ lớn. Trong đó có các kể hoạch 5 năm như trong giai đoạn từ 2015 đến 2020 hay từ 2020 đến 2025…

Cũng theo ông Nam, hiện nay, Bộ NN&PTNT còn trình Chính phủ ban hành một số chính sách với việc cho vay người trồng rừng gỗ lớn phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Hiện Bộ xây dựng và đang ban hành đề án riêng về trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2023 đến 2030, trong đó có các cơ chế, chính sách về hợp tác, liên kết phấn đầu cuối năm 2030 chúng ta có 1 triệu ha rừng gỗ lớn. Trên cơ sở khoảng trên 440.000ha và chúng ta cần phát triển thêm trên 500.000ha rừng nữa là đạt kết quả này.

Theo các chuyên gia, để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cần có thêm chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia. Ông Vũ Thành Nam kiến nghị, cần phải đầu tư nghiên cứu cho ra các giống cây rừng gỗ lớn phù hợp với điều kiện từng vùng, chuyển giao nhiều giống mới cho bà con.

"Do trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi phải chờ đợi vài chục năm mới thu hoạch, trong khi bà con nông dân còn nghèo, không có sinh kế để chờ rừng quá lâu, nên giải pháp của chúng ta đưa ra hiện nay là trồng rừng kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ, thay vì độc canh vài loại cây rừng", ông Nam nêu thực tế, đồng thời cho rằng cần nghiên cứu thêm các loại phân bón, chế phẩm sinh học để bón cho cây để cải tạo được năng suất rừng./.

Bình Nguyên