Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023, cùng với gần 1,26 triệu lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Năm 2024, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số đạt giá trị gần 158 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2023. Giá trị Việt Nam chiếm gần 32% trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số năm 2024, cao hơn 12% so với năm 2019. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.
Phát biểu tai Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài; góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh.
Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã truyền đi thông điệp về tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc" để phát huy trí tuệ Việt Nam. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Nghị quyết 57 cũng đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Trước đây, Việt Nam tập trung nhiều vào ứng dụng, vào gia công, thì nay phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, các công đoạn giá trị cao hơn. Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững. Nghị quyết 57 định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Lần đầu tiên, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm chung trong một Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đồng thời nằm chung trong một Bộ hợp nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Sự liên thông và không thể tách rời sẽ tạo động lực mới mang tính đột phá và cách mạng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên môi trường số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh, chạy đua để làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số nhằm xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là mục tiêu mong muốn của các nước phát triển và cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam cùng bước vào một vạch xuất phát để cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Việc làm chủ các công nghệ số được xem là nền tảng quan trọng cho Việt Nam "cất cánh" vươn lên, phát triển mạnh mẽ.
Mục tiêu làm chủ các công nghệ số đã và đang được các tập đoàn công nghệ Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ số cụ thể. Chỉ có làm chủ công nghệ số thì Việt Nam mới kiến tạo được nền kinh tế số phát triển vượt bậc, góp phần xây dựng xã hội cho tương lai./.