Vì sao SCB nâng lãi suất tiết kiệm lên 9.75%, bỏ xa nhiều ngân hàng khác?

Sau hàng loạt "lùm xùm" liên quan đến trái phiếu của Công ty An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, mà Ngân hàng SCB là đơn vị tư vấn mời chào nhà đầu tư mua trái phiếu An Đông. Mới đây, Ngân hàng SCB đã tăng lãi suất tiền gửi từ 0,45 – 0,65%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo thông tin mà SCB đăng tải, đối với sản phẩm tiền gửi thông thường, nhà băng này áp dụng mức lãi suất cao nhất ở sản phẩm này là 9,2%/năm tại kỳ hạn 12-36 tháng. Đối với các kỳ hạn ngắn, ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất là 6%/năm tại kỳ hạn 1-5 tháng. Tại kỳ hạn 7-11 tháng, SCB áp dụng lãi suất 7-7,4%/năm.

Đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng lên đến 9,75%/năm khi gửi tiết kiệm Online và 9,70% khi gửi tiết kiệm tại quầy.

Trước đó chỉ vào ngày 26/10 SCB tăng lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn từ 15 tháng lên mức 9,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng lãi suất ở mức 9,15%/năm, còn kỳ hạn 13 tháng lãi suất ở mức 9,25%/năm, cũng là mức cao nhất thị trường thời gian đó.

11-1668269291.PNG
Biểu lãi suất online của Ngân hàng SCB áp dụng từ ngày 11/11/2022. (Nguồn: scb.com.vn)

Như vậy chỉ trong chưa đầy 1 tháng ngân hàng này đã tăng mức lãi suất thêm 5.1% giá trị lên mức 9.75% như hiện nay mà không ngân hàng nào chạy đua nổi.

Theo Công ty CP chứng khoán SSI, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành 1%, việc các NH thương mại đồng loạt tăng lãi suất không gây bất ngờ cho thị trường. Thế nhưng, diễn biến lãi suất lại khá phức tạp. Các NH đã điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,3 - 1%/năm tùy từng kỳ hạn. Riêng lãi suất dưới 6 tháng, hầu hết được đẩy lên mức trần 6%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều NH đã về lại vùng trước COVID-19, thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 3 - 4% so với cuối năm 2021.

SCB liên tục tăng lãi suất tiền gửi cùng loạt "lùm xùm" liên quan đến trái phiếu An Đông

Ngày 08/10, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Gần đây, người dân tụ tập đông đúc trước trụ sở của SCB, bày tỏ sự bất bình liên quan đến các hợp đồng trái phiếu mua theo tư vấn của nhân viên ngân hàng.

Nhiều người dân bức xúc khi nhân viên ngân hàng đã mượn uy tín của nhà băng để chào mời họ mua trái phiếu một cách sai lệch và thiếu trung thực. Nhiều người mua trái phiếu sau khi vừa tất toán sổ tiết kiệm, được nhân viên của SCB tư vấn chuyển qua đầu tư trái phiếu với lời giới thiệu “có cánh”.

Ngày 07/11 UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu SCB cầu cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng, ân cần, lịch sự và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ và tuyệt đối không được né tránh.

Theo Công ty chứng khoán Tân Việt, có khoảng 40.000 khách hàng mua trái phiếu An Đông qua SCB, gồm 17.400 người sở hữu trái phiếu ADC.2018.09, hơn 5.000 người mua lô ADC.2018.09-01 và hơn 15.500 người mua lô ADC.2019.01.

Văn Minh