Vì sao giá cả sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước?

Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 mới được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, chi phí sinh hoạt của người dân ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước, tiếp đến là Quảng Ninh, TP.HCM. Ở chiều ngược lại, chi phí sinh hoạt của người dân các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh và Bến Tre rẻ nhất cả nước.

Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 mới được Tổng cục Thống kê công bố cho biết thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế không biến động so với năm 2021.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số năm 2022 bằng 99,42%. Tiếp theo là Đông Nam Bộ 98,62%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,33%, Tây Nguyên 97,87% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 94,85%.

Các yếu tố làm cho giá một số loại hàng hóa thiết yếu tại TP.HCM rẻ hơn Hà Nội, theo lý giải của Tổng cục Thống kê là do nguồn cung hàng hóa dồi dào và tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa tốt hơn. Mức độ đắt đỏ trong sinh hoạt của người dân các tỉnh, thành phố những năm qua được Tổng cục Thống kê xác lập dựa trên ghi nhận giá cả của 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính.

Đó là các nhóm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở, điện nước, chất đốt; vật liệu xây dựng; thiết bị đồ dùng gia đình; giáo dục; giao thông; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa dịch vụ khác.

Và nếu so với Hà Nội đắt đỏ, chi phí sinh hoạt một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM rẻ hơn. Ví dụ giá các sản phẩm may mặc, mũ nón và giày dép ở TP.HCM chỉ bằng 78,07% giá bán tại Hà Nội; tương tự chi phí dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,72%; giá các thiết bị đồ dùng gia đình 94,43%.

1-1540192615-1680165502.jpg

Phố Tạ Hiện sầm uất nhất khi màn đêm buông xuống. Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Thống kê, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước trong nhiều năm nay. Lý giải cho điều này, theo cơ quan thống kê, đồng bằng sông Cửu Long là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp.

Nếu xét cho từng địa phương, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước năm 2022. Quảng Ninh tiếp tục duy trì ở vị trí đắt đỏ thứ 2 cả nước với chỉ số SCOLI bằng 99,89% Hà Nội.

So với năm 2021, vị trí của TP.HCM và Đà Nẵng cũng không thay đổi khi là địa phương đắt đỏ thứ 3 và thứ 4 với chỉ số SCOLI lần lượt bằng 96,2% và 95,89% Hà Nội. Đáng chú ý năm 2022, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thay thế Hải Phòng để trở thành địa phương đắt đỏ thứ 5 cả nước.

"So với năm 2021, vị trí các địa phương có mức giá đắt đỏ trong năm 2022 không có sự thay đổi lớn. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức đắt đỏ hơn các tỉnh miền núi chủ yếu ở các nhóm hàng nhà ở thuê, dịch vụ, giải trí và du lịch", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Trong chiều ngược lại, 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Quảng Trị, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Nam Định.

Theo Tổng cục Thống kê, các tỉnh có mức giá thấp nhất trong cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp./.

Thi Nguyên (t/h)