Cần giảm chi phí đầu vào cho nông dân

"Để giảm chi phí đầu vào, nông dân nên lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, thì đó cũng là cách giảm chi phí", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
thu-tuong-chinh-phu-1653832093.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại nông dân lần thứ 4 sáng 29/5, trả lời băn khoăn của người nông dân về vấn đề giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng có nhiều cách để người dân tiết kiệm chi phí đầu vào.

“Tôi có đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương. Thực tế cho thấy hiện nay nhiều nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng người nông dân có thể tham gia hoạt động vào các HTX để mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí cũng như tăng hiệu quả trong sản xuất.

“Ngoài ra, chúng ta cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Giảm chi phí là mệnh lệnh và có thể làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là phải có giải pháp phù hợp”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.

Ông Võ Viết Minh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nói: Chứng kiến từng đoàn người ở quê hương tôi và các nơi khác phải đi xe máy vượt cả ngàn km để bỏ về quê do tác động bởi đợt Covid-19 vừa qua, chúng tôi thấy rất đau xót. Khi về quê họ cũng không có việc làm, thu nhập. Xin hỏi và kiến nghị với Thủ tướng: Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để giúp người nông dân lên thành phố ổn định cuộc sống hơn, đặc biệt là có giải pháp để chuyển đổi lao động, để người dân ly nông nhưng không phải ly hương?

Còn nông dân Trần Như Kiên (huyện Yên Châu, Sơn La) đặt câu hỏi: Thời gian qua, người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp gì để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc?

Liên quan hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bản thân Thủ tướng đã có giao thiệp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, tiếp xúc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cùng Bộ Công Thương có buổi làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản. Hiện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với tỉnh bạn để giao lưu hàng hóa giữa 2 nước.

Tuy nhiên, chính sách chống dịch của Trung Quốc và của chúng ta khác nhau, đây là một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Trung Quốc cũng không còn dễ tính như trước đây, họ tăng cường kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn; quy định của họ cũng ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc muốn tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch.

"Do đó, muốn xuất khẩu được hàng hóa thuận lợi sang thị trường họ, chúng ta buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản"- Thủ tướng nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hỏi: Thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, hầu hết các mặt hàng tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng. Xin hỏi Thủ tướng Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?

bo-truong-nguyen-hong-dien-1653832130.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải đáp câu hỏi của ông đại biểu nông dân Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vấn đề giá cả các mặt hàng tăng cao trong thời gian qua thì Chính phủ, các bộ ngành cũng đã nỗ lực kiểm soát tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá thành sản phẩm. Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân.

Tuy nhiên, vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính vì vậy thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào, cụ thể:

Thứ nhất, sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán – người mua. Theo tính toán thì vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nên nếu tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng. Thứ ba, điều chỉnh thuế đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân.