
Sức mạnh lâu bền của doanh nghiệp trên thương trường
Văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa dân tộc, là biểu hiện của văn hóa dân tộc trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế luôn đi đôi với phát triển văn hóa. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc liêm chính, kinh doanh tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường.
Theo quy định Liên Hiệp quốc, kinh doanh có trách nhiệm có nghĩa là nhà kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền con người, bảo vệ môi trường, thực hiện các trách nhiệm về quan hệ lao động cũng như trách nhiệm giải trình về mặt kinh tế, tài chính đối với nhà nước như thuế, các báo cáo tài chính…
Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật của quốc gia chưa đảm bảo đủ cho các điều kiện này, các nhà kinh doanh cần chủ động điều chỉnh hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Văn hoá kinh doanh là toàn bộ hệ thống các chuẩn mực về tinh thần và hành vi ứng xử của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp, hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất, tạo ra nét độc đáo riêng biệt đồng thời là sức mạnh lâu bền của doanh nghiệp trên thương trường.
Trong phạm vi một doanh nghiệp, xây dựng và bồi đắp văn hóa kinh doanh là yêu cầu tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hiện nay, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế, uy tín doanh nghiệp
Doanh nhân Việt Nam, họ không chỉ là những người biết làm giàu cho cá nhân, cho doanh nghiệp, cho xã hội mà cũng là những người biết xây dựng nền tảng văn hoá kinh doanh cho đơn vị mình, góp phần tô điểm thêm cho nét văn hoá doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh của thế hệ doanh nhân ngày nay.
Từ xa xưa, cha ông ta để lại các câu chuyện lịch sử, các truyền thuyết về đời sống xã hội được lưu truyền từ đời này qua đời khác, đúc kết để xã hội ngày càng văn minh tiến bộ. Cũng như vậy, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cũng đã phát triển và ghi lại được dấu ấn, những nguyên tắc, những tập tục, những quy ước trên cơ sở luật pháp đương đại để phát triển trường tồn với xã hội.
Doanh nghiệp là một tập thể có tổ chức chặt chẽ được ràng buộc bởi luật pháp kết dính với nhau trong một môi trường sinh hoạt và làm việc mang tính đặc thù của từng doanh nghiệp, vì vậy tất yếu sẽ hình thành nên văn hoá riêng biệt của từng doanh nghiệp và mỗi doanh nhân là người đứng đầu.
Người thuyền trưởng “chèo lái” doanh nghiệp phải biết nhận diện nó với các đặc thù riêng biệt để xây dựng và bảo vệ như thế nào có tính chất truyền thống bền vững trường tồn cho doanh nghiệp theo thời gian.
Xây dựng được ý chí tinh thần, nội lực của tập thể cán bộ công nhân viên một cách đồng nhất dân chủ là một vấn đề khó đòi hỏi cái nhìn sáng suốt, cái tâm trong sáng, ý chí kiên cường thái độ ứng xử đúng mực mềm dẻo của lãnh đạo từ đó hình thành nên chính sách riêng biệt, điều kiện cơ chế vận hành doanh nghiệp mọi tâm trí của tập thể người lao động đều hướng tới một mục tiêu phát triển doanh nghiệp:
Thực tế trong xã hội có rất nhiều doanh nghiệp thành đạt và phát triển ở các trạng thái khác nhau, tạo dựng nên được truyền thống đẹp trong kinh doanh cũng như trong cách ứng xử điều này cũng đồng nghĩa là là họ phải trải qua bao gian nan, bao thăng trầm để tạo dựng nên được thành công những cái đó không thể đem ra cân đo đong đếm, không thể định lượng được mà nó là giá trị tinh thần vô giá, xây dựng được lòng tin trong từng con người lao động từng sản phẩm mà doanh nghiệp làm ra để sống bền vững trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp
Văn hóa kinh doanh là công cụ quan trọng và không thể thiếu trong quản lý điều hành, triển khai chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo ra động lực cho người lao động và sự đoàn kết trong doanh nghiệp, đơn vị. Văn hóa kinh doanh là một phương pháp quản trị doanh nghiệp cơ bản, là nền tảng cho sự đổi mới, sáng tạo và phát triển các công nghệ mới cho doanh nghiệp, đơn vị.
Việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội và của cán bộ, đảng viên, người lao động; phải được cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy, tổ chức đảng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội. Cấp ủy lãnh đạo, triển khai, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận để toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động cùng hưởng ứng, tham gia; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện văn hóa doanh nghiệp.
Như vậy, có thể hiểu văn hóa kinh doanh là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần được gây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Văn hóa kinh doanh chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích đề ra, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh biểu hiện từ bề mặt cho đến chiều sâu hoạt động của doanh nghiệp, tạo nên phong cách, “bản sắc” và là “bộ gen” của doanh nghiệp được di truyền cho nhiều thế hệ tiếp nối.
Văn hóa kinh doanh cũng chính là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp, tạo ra niềm tin và là sợi dây gắn kết các thành viên cùng hướng tới những mục tiêu chung và hành động chung. Văn hoá kinh doanh chính là tài sản, là nguồn lực vô hình mà mỗi doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng, khai thác và phát huy.