Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 vừa diễn ra ngày 01/6.
Tại buổi họp báo, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) thời gian qua khi những tháng đầu năm 2024 xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể (NĐTT) khắp cả nước.
Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP( khiến trên 2.100 người mắc và 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ giảm 10%, số tử vong giảm 46%.
Ngay sau khi xảy ra các vụ NĐTP, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngay các cơ sở y tế cứu chữa các bệnh nhân mắc; làm thế nào để đưa các nạn nhân nặng hạn chế tối đa tử vong; đồng thời Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay các cơ sở cung cấp không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm tìm nguyên nhân gây ra ngộ độc.
"Sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc, Bộ Y tế đã cùng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phát hiện một số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) có hiện tượng thu gom các nguyên liệu trôi nổi bên ngoài…", ông Tuyên nói.
Trước tình trạng này, Bộ Y tế ngay từ đầu năm đã tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP tổ chức cuộc họp để đánh giá kết quả năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng triển khai hướng dẫn 10 khuyến cáo của Tổ Chức Y tế thế giới (WHO) về bảo đảm ATTP. Trong đó, có 2 khuyến cáo là chúng ta phải chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP, Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các địa phương. Trong đó, chúng tôi có đề nghị các địa phương:
Thứ nhất, kiện toàn Ban ATTP, có phân công, phân nhiệm rõ ràng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc.
Thứ hai, tiếp tục hướng dẫn, thực hiện Chỉ thị 13/2016 của Thủ tướng; Chỉ thị 17/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt Công điện số 44/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, triển khai hướng dẫn đảm bảo công tác quản lý ATTP trên địa bàn. Chúng tôi yêu cầu các địa phương kiên quyết không để các cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp), không đảm bảo điều kiện ATTP vẫn hoạt động…; Kiểm soát chặt chẽ để thực phẩm trôi nổi cung cấp cho bếp ăn tập thể.
Thứ tư, các khu công nghiệp, khu chế xuất… kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không bảo đảm ATTP.
Thứ năm, đề nghị các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm. Đặc biệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó thay đổi hành vi mua lương thực, thực phẩm ở những nơi an toàn, không mua các sản phẩm trôi nổi.
“Chúng tôi đề nghị địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết là nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động; nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất thực phẩm để bảo đảm ý thức hơn về an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân và các đơn vị; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để thay đổi hành vi của người dân mua thực phẩm, sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm” - ông Đào Xuân Tuyên nói.
Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể. Xử lý vi phạm phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa nâng cao hiệu quả tuyên truyền vừa có tính chất răn đe các cơ sở cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng./.