Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10/9:

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc với đại đoàn kết dân tộc

Sau năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc với 2 chính quyền khác nhau. Vì thế, ở Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống Nhất toàn quốc được tổ chức tại thủ đô Hà Nội trong khoảng thời gian 5/9 - 10/9/1955, chính phủ nước ta quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đề cao nhiệm vụ thống nhất đất nước.
m-1725936926.gif
Ngày 10/9 được chọn để kỷ niệm sự ra đời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 10/9 được chọn để kỷ niệm sự ra đời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó cũng nhằm tôn vinh vai trò trong công cuộc thống nhất đất nước của Mặt trận, đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi đồng bào của dân tộc ta.

Để tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”. 

Trên cơ sở đó, ngày 30/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Quyết định số 24-QĐ/TW quy định về thi hành điều lệ Đảng, trong đó xác định rõ thẩm quyền quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan giúp việc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò của cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

mat-tran-to-quoc-1-1725939291.jpg
Những lúc đất nước gặp khó khăn như bão lũ, thiên tai vai trò của mặt trận tổ quốc các cấp càng thể hiện rõ là trung tâm đoàn kết của xã hội. (Ảnh minh họa)

Xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, sau khi giành chính quyền về tay Nhân dân, nước ta xây dựng nhà nước với bản chất là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân, thông qua đại diện là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị với cơ cấu: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội. Trong hệ thống chính trị ấy chỉ do một đảng chính trị duy nhất cầm quyền, nhưng vẫn bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Đây là đặc điểm riêng có của thể chế chính trị Việt Nam.

Để việc kiểm soát quyền lực của Nhân dân được thực hiện triệt để và không ngừng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta phải bảo đảm sự kết hợp nhuần nhuyễn nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, chế độ thủ trưởng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những lúc đất nước gặp khó khăn như bão lũ, thiên tai vai trò của mặt trận tổ quốc các cấp càng thể hiện rõ là trung tâm đoàn kết của xã hội.

Việc xác lập đúng đắn địa vị chính trị, pháp lý của cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là yếu tố căn bản về mặt cơ chế để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Tú Anh