Vài giải pháp chính sách cho du lịch xanh trên biển, đảo

Việt Nam có thể triển khai thí điểm mô hình điểm đến sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm ở quy mô điểm đến là các đảo.
42-16948990-1433989801382-fileminimizer-1665910468.jpg
Minh họa

Việc chuyển đổi phương thức khai thác và sử dụng tài nguyên nước, đất cho điểm đến là các đảo mang lại lợi thế về xây dựng mô hình khép kín từ thiết kế, xây dựng các công trình thủy lợi, canh tác nông nghiệp, ngư nghiệp.

Khi chất lượng nguồn nước và đất canh tác được cải thiện, hệ sinh thái đảo được phục hồi thì sinh kế của cộng đồng địa phương được nâng cao, đồng thời tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng bền vững. Từ đó, làm điển hình tốt để nhân rộng mô hình trên cả nước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bao trùm, chuyển đổi toàn bộ chuỗi giá trị của ngành du lịch.

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh trong xu hướng mới là du lịch khai thác tập quán canh tác, văn hóa, truyền thống, di sản của người bản địa, với lợi thế khá gần với cộng đồng nơi khách sinh sống. Sản phẩm du lịch xanh hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh văn hóa truyền thống của người dân bản địa, ví dụ như các ngành nghề truyền thống.

Du lịch có thể là một động lực để thúc đẩy hồi sinh nghề truyền thống “Chuỗi cung ứng khép kín”, từ khâu nuôi trồng nông, lâm, thủy sản địa phương, làm các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, cho tới sản xuất theo phương pháp truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch và cơ sở lưu trú du lịch.

Việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh không thể tách rời phát triển các loại hình giao thông thân thiện với môi trường. Như kinh nghiệm của một số quốc gia, hệ thống giao thông vận chuyển người và hàng hóa bằng các phương tiện như xe điện, xe đạp, các phương tiện giao thông bánh nhỏ, đi bộ… đòi hỏi phải có hệ thống đường giao thông phù hợp.

Vì vậy, cần có giải pháp đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy phù hợp với phương thức di chuyển này, ví dụ như các điểm dừng đỗ để nạp điện, các điểm dừng chân ngắm cảnh, các cửa hàng cho thuê, mượn xe đạp kết hợp với bán hàng thủ công mỹ nghệ…

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), phát triển du lịch trong bối cảnh kinh tế xanh có sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm chi phí về năng lượng, nước, hệ thống xử lý chất thải, góp phần nâng cao giá trị của hệ sinh thái, đa dạng sinh học và di sản văn hóa, đồng thời có tiềm năng tạo những việc làm xanh mới (UNWTO và UNEP (2012), “Du lịch trong nền kinh tế xanh”).

Chính vì vậy, nhiều nhà hoạch định chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh đã đưa ra quan điểm, du lịch - bao gồm toàn bộ khách du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng và chuỗi giá trị du lịch - có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi sang hướng tăng trưởng xanh (Geoffrey Lipman (2014), “Tăng trưởng xanh và Du lịch - lộ trình phát triển bền vững”). Thách thức đặt ra ở đây là cần chuyển đổi từ việc công nhận vai trò thúc đẩy tăng trưởng xanh của du lịch thành các chính sách và hành động cụ thể, ý nghĩa, có khả năng liên kết với toàn bộ chuỗi giá trị của ngành.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng do dịch bệnh hạn chế đi du lịch đường dài, mất cân đối trong bảo tồn và phát triển, du lịch Việt Nam có thể tìm hiểu và lựa chọn phương thức phù hợp để phát triển du lịch, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn vừa hướng tới mục tiêu tăng trưởng bao trùm, hài hòa với các mục tiêu xã hội và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc./.

ThS. Phạm Tố Linh