Tuy nhiên công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản của ta còn nhiều hạn chế, tỷ lệ sản phẩm không đảm bảo chỉ tiêu về an toàn thực phẩm còn cao, gây dư luận và phản ứng không tốt trong nhân dân, niềm tin về thực phẩm an toàn còn thấp.
Nguyên nhân là hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm quy mô nhỏ, phân tán, tập quán canh tác, chăn nuôi, chế biến sản phẩm theo quy trình lạc hậu, nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm chưa cao, việc dùng nhiều hóa chất, phân bón vô cơ, chất kích thích sinh trưởng, xử lý chất thải không đúng cách, sản xuất không theo quy hoạch, chưa gắn kết thành các chuỗi sản xuất an toàn và hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm từ tỉnh tới các địa phương còn hạn chế dẫn đến việc kiểm soát an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập.
Xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là giải pháp yêu cầu tất cả các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tuân thủ quy định về hội nhập quốc tế, cơ sở để thực hiện hiệu lực, hiệu quả, luật pháp về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.
Việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là chia sẻ rủi ro và trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp, cùng nhau cam kết thực hiện các qui định chặt chẽ trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Một số cơ sở đã xây dựng được trung tâm sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GMP, HACCP với nhiệm vụ thu gom, sơ chế, chế biến, đóng gói và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm an toàn với các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối nông sản và xuất khẩu.
Các chuỗi sản phẩm đang vận hành được kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan chuyên môn cũng như tự giám sát nội bộ, vì thế các chỉ tiêu phân tích dư lượng (thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh…) không vượt quá mức giới hạn cho phép, được các siêu thị, nhà hàng có uy tín chấp nhận.
Để xây dựng thành công chuỗi sản phẩm an toàn, các cơ sở sản xuất phải lựa chọn địa điểm phù hợp quy hoạch vùng sản xuất của tỉnh, có cá nhân hoặc tập thể trong chuỗi tổ chức thu gom, sơ chế, chế biến; có kiến thức vận hành mô hình chuỗi, có khả năng tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị của cơ sở, thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được Nhà nước ban hành, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định và thực hiện đúng các hợp đồng đã ký kết.
Chuỗi sản phẩm an toàn chỉ thành công khi tất cả cán bộ quản lý, nhân viên (trực tiếp và gián tiếp) của cơ sở tham gia mô hình chuỗi hiểu và nắm vững kiến thức về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP hoặc VietGAHP), thực hành sản xuất tốt (GPPs), phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), hệ thống kiểm soát tiên tiến (ISO)… và hệ thống kiểm soát về an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Các thành viên tham gia chuỗi an toàn thực phẩm phải thực hiện thành công và được cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc VietGAHP, chứng nhận GMP hoặc HACCP, ISO hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (sơ chế, chế biến, đóng gói). Xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng, phân tích mối nguy gây mất an toàn thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm không an toàn. Kiểm soát liên tục được chất lượng sản phẩm qua các công đoạn từ sản xuất đến tiêu thụ và có thị trường tiêu thụ ổn định thông qua ký kết hợp đồng, xây dựng được thương hiệu của cơ sở.
Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng thành công và chứng nhận các chuỗi sản phẩm điển hình cho những sản phẩm chủ lực của các địa phương (rau, chè, cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu, bò sữa, lợn, gà) đang có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm làm cơ sở để các địa phương tham quan, học tập, khuyến khích cơ sở tự xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm an toàn đồng thời hỗ trợ nhân rộng 10 mô hình, mở rộng qui mô của các mô hình chuỗi đã thành công.
Việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi sẽ giúp cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm theo quy định trong Luật An toàn thực phẩm. Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn "Từ trang trại đến bàn ăn" là một giải pháp hết sức cần thiết có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng địa phương và hội nhập quốc tế. Đây không còn là vấn đề nội bộ nữa mà là thương hiệu, là tương lại của một ngành sản xuất./.