Tượng nàng Tô Thị: Từ sự tích trở thành một địa điểm du lịch

Tại Lạng Sơn, có một ngọn núi gắn liền với sự tích nàng Tô Thị đã được công nhận là di tích quốc gia.

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Câu ca dao giới thiệu ngắn gọn về những địa danh vô cùng nổi tiếng tại Lạng Sơn. Đó là con phố Kỳ Lừa sầm uất, tượng nàng Tô Thị bế con vọng phu, chùa Tam Thanh yên bình, thanh tịch. Trong đó tiêu biểu nhất là tượng nàng Tô Thị - tiêu biểu cho truyền thống, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà trên thế giới không đâu có.

tt4-1650498187.jpg

Sự tích về tượng nàng Tô Thị

Sự tích từ xa xưa kể rằng Tô Thị và chồng có một người con. Khi người chồng phải tòng quân đi lính, có kỳ hào hống hách trong làng muốn cưới Tô Thị về làm vợ nhưng nàng không chịu. Nàng không dám từ chối mà xin khất lần vì sợ mang họa vào thân.

Kỳ hạn chờ đợi đã hết mà chồng vẫn chưa về. Nàng ôm con bỏ chạy lên chùa Tam Thanh. Một đêm trời mưa giông, quá nhớ chồng, Tô Thị ôm con đứng trên mỏm đá cao chót vót, đứng trơ trơ, nhìn đăm đăm về hướng chồng đi. Cơn mưa giông qua đi, ngày hôm sau người dân phát hiện nàng Tô Thị và con đã hóa đá thành tượng. Để giáo dục về lòng chung thủy của người phụ nữ, một lòng một dạ với chồng con mà sự tích được lan truyền rộng rãi.

tt2-1650498234.jpg

Di tích núi Tô Thị

Núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu nằm ở thị xã Lạng Sơn gắn liền với truyền thuyết người con gái chung thủy ôm con chờ chồng đi lính nhiều năm không về mà hóa thành đá. Trên núi còn có khối đá tự nhiên hình phụ nữ ôm con đang nhìn về nơi xa. Qua năm tháng, năm 1991 tượng Tô Thị ở Tam Thanh bị phá hoại do tác động của tự nhiên. Tỉnh Lạng Sơn đã cho phục dựng lại bức tượng đúng như nguyên bản. Hàng năm, nơi đây thu hút rất nhiều du khách tới tham quan không chỉ bởi câu chuyện cảm động mà còn bởi cảnh sắc tuyệt đẹp.

tt3-1650498351.jpg
Biểu tượng về lòng chung thủy mãi là linh hồn của ngọn núi

Đứng trên núi, phóng tầm mắt ra bốn bề chính là cánh đồng lúa, vào mỗi thời điểm cảnh quan nơi đây như khoác trên mình một màu áo khác nhau. Khi thì một màu xanh mướt dịp lúa đương thì con gái, khi thì óng ánh một màu vàng rực rỡ mỗi độ lúa chín. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm này qua năm khác, tượng Tô Thị vẫn sừng sững trong không gian, tồn tại qua thời gian.

Đứng từ xa, bức tượng nàng Tô Thị vẫn đứng trong gió như vẫn đang mong mỏi chờ đợi, hy vọng người chồng quay về. Tất cả đã phác họa nên hình ảnh của một người phụ nữ Việt Nam với lòng thủy chung, không phôi pha qua năm tháng./.

Nguyễn Đỗ TH