Người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ đã có truyền thống trồng cây lá dong từ nhiều năm. Nơi đây được xem là thủ phủ lá dong của tỉnh Hà Tĩnh. Toàn thôn hiện có khoảng hơn 100 hộ dân trồng cây lá dong theo quy mô vừa và nhỏ với tổng diện tích khoảng 20 ha.
Gia đình bà Nguyễn Thị Viên, là một trong những hộ trồng lá dong nhiều năm tại thôn Vĩnh Phúc. Bà Viên cho biết: Lá dong đã được các hộ trong thôn và gia đình tôi trồng trong nhiều năm qua, cây lá dong là nguồn thu nhập chính cho gia đình để có thêm một khoản để trang trải trong gia đình mỗi dịp tết đến xuân về. Năm nay thời tiết cũng không quá nóng nên lá đẹp, màu sắc xanh đậm hơn. Gia đình tôi năm nay có khoảng 8.000 - 9.000 lá, ước tính thu nhập gần 6 triệu đồng.
Những ngày cuối năm, gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ) đang tất bật cắt lá dong để kịp cung ứng cho khách hàng. Mỗi ngày, gia đình chị cung cấp cho tiểu thương và khách lẻ từ 2 - 3 nghìn lá và số lượng này sẽ còn tăng lên trong những ngày cận Tết.
Theo người dân, trồng lá dong mỗi năm có thể cho thu hoạch 2 vụ vào giữa năm và cuối năm. Tuy nhiên, để lá dong có chất lượng và đẹp hơn, họ chỉ thu hoạch 1 vụ vào dịp Tết. Cứ sau mỗi lần cắt lá, người dân chỉ cần làm sạch cỏ và bón phân, cây lại ra lứa lá mới. Cây lá dong là cây ưa bóng nên được các hộ trồng trong vườn dưới tán các loại cây trồng khác để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp của lá với ánh sáng mặt trời nhất là vào mùa hè tránh làm lá khô, quăn lá không thể dùng để gói bánh.
Chị Mai cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi nên lá dong đẹp, ít sâu. Giá bán dao động 50 - 60 ngàn đồng/100 lá dong. Vụ này, toàn bộ diện tích lá dong của gia đình tôi đã được khách đặt hàng từ trước, hiện chúng tôi đang thu hoạch để kịp giao cho khách. Mỗi năm thu nhập từ lá dong mang về cho gia đình tôi trên 15 triệu đồng.
Lá dong thôn Vĩnh Phúc được trồng ở trên đất phù sa ven sông Lam có màu xanh mướt, giữ màu lâu sau khi cắt mà không bị úa vàng. Đặc biệt, bánh chưng được gói bằng lá dong thôn Vĩnh Phúc sau khi nấu chín vẫn có màu xanh đậm, hương thơm của lá dong quyện lẫn mùi thơm của nếp rất đặc trưng, khiến người mua rất ưa chuộng.
Bắt đầu từ giữa tháng Chạp, người dân trong thôn bắt đầu thu hoạch lá dong để bán cho các cơ sở làm bánh chưng trên địa bàn huyện và nhập cho các tiểu thương trong tỉnh. Đây được thời điểm “thu hoạch” của người trồng cây lá dong sau một năm chăm sóc. Khoảng thời gian này trong thôn lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập của cả người trồng lá dong và của cả những người thu mua lá.
Tết Nguyên đán năm nay, nhà ít thì thu về khoảng 5 triệu, nhà nhiều trên 20 triệu từ cây lá dong. Những ngày này các thương lái đến tận vườn để thu mua, có những vườn đã được thương lại đặt cọc từ giữa năm.
Chị Hoàng Thị Minh Chung, thương lái cho hay: Lá dong ở đây khi nấu bánh có mùi rất thơm, bánh có màu xanh rất đẹp. Do nhu cầu sử dụng bánh vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng cao nên vào dịp này, tôi thường đến thu mua số lượng lớn về bán cho các đại lý gói bánh chưng, hoặc bán lại cho các tiểu thương ở chợ.
Người dân Vĩnh Phúc cho biết, trước đây, lá dong để gói bánh chưng thường được đi cắt từ trên rừng về, sau nhận thấy cây có thể trồng được nên người dân đã đưa về trồng. Từ đó đến nay đã trở thành cây trồng phổ biến tại thôn và nghề trồng lá dong ở đây được cha ông truyền lại qua nhiều đời. Cây lá dong không cần chăm sóc nhiều, cứ sau mỗi lần cắt lá, chỉ làm sạch cỏ rác ở gốc, cắt các lá bị héo khô rồi bón một ít phân lân và đạm, cây sẽ lại ra lá mới.
Cây dong thân thảo, cao trung bình từ 1 - 1,5m, cây ưa mọc dưới tán cây trồng khác, có độ ẩm cao, đẻ nhánh khỏe. Mỗi năm một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch từ 6 - 7 lá. Cây dong có thể cho thu hoạch quanh năm, lá mọc tầm hai tháng là cắt được. Nhưng người ta thu hoạch lá dong rộ nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Lá dong ngoài gói bánh chưng, bánh tét, bánh tẻ còn có thể dùng gói giò, gói xôi, gói thức ăn. Bởi vậy, việc trồng cây lá dong luôn có đầu ra ổn định và có thêm nguồn thu nhập nên có thể mở rộng và phát triển vùng trồng trên địa bàn thôn.
Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh cho biết : Hiện toàn thôn Vĩnh Phúc có 150 hộ dân thì có khoảng gần 100 hộ trồng cây lá dong, với diện hơn 20 ha. Hộ trồng ít khoảng 300 m2, hộ nhiều thì đến cả nghìn m2. Với uy tín, chất lượng đã được khẳng định nên khách hàng rất ưu chuộng. Nguồn thu từ sản phẩm này hằng năm đã góp phần giúp nhiều gia đình ở thôn Vĩnh Phúc có thu nhập mỗi dịp Tết đến. Xã đang khuyến khích các hộ chỉnh trang lại các vườn hộ để chăm sóc vườn lá dong hiện có của mỗi gia đình và tiếp tục mở rộng diện tích có thể để nâng cao thu nhập ổn định cho các hộ trong thôn
Ở thôn Vĩnh Phúc, mặc dù trồng cây dong không phải là cây trồng chính song mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với nhiều loại cây trồng khác. Không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, trồng cây dong tại thôn Vĩnh Phúc còn được xem là một nét văn hoá của người dân nơi đây./.