Lá dong Tràng Cát trăm năm ngát xanh chờ bội thu vụ Tết

Như thường lệ, bắt đầu từ tháng chạp, làng lá dong Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật bước vào mùa thu hoạch chính, người người ra vườn, nhà nhà cắt lá dong phục vụ cho Tết Nguyên đán. Nghề trồng lá dong gói bánh chưng ở Tràng Cát đã có hàng trăm năm.
la-dong-trang-cat-01-1705479196.jpg
Nghề trồng lá dong gói bánh chưng ở Tràng Cát đã có hàng trăm năm.

Thôn Tràng Cát (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nằm ven sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km. Nơi đây được coi là "thủ phủ" của nghề trồng lá dong gói bánh chưng truyền thống.

Đây được coi là "vựa" lá dong lớn nhất Hà Nội. Lá dong ở đây được ưa chuộng bởi có màu xanh mướt như ngọc, lá dai, bản to, cuống lá xanh sáng chứ không xanh đen, xanh sẫm như lá dong rừng.

Lá dong Tràng Cát hình bầu, không dài như lá dong rừng nên rất dễ gói. Người dân trong làng mách, chỉ cần nhìn bề ngoài là có thể dễ dàng phân biệt được đâu là lá dong của làng Tràng Cát và đâu là lá dong rừng.

la-dong-trang-cat-05-1705479182.jpg
Trồng lá dong không mất nhiều công sức, chỉ cần tách nhánh rồi trồng, chăm bón, làm cỏ đợi ngày thu hoạch.

Làng Tràng Cát có tổng diện tích trồng lá dong vào khoảng hơn 20 ha, chủ yếu là đất vườn, đất ở của người dân. Trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần, người dân nơi đây lại tất bật thu hoạch lá dong phục vụ nhu cầu gói bánh chưng của người dân.

Theo người dân cho biết, trồng lá dong không mất nhiều công sức, chỉ cần tách nhánh rồi trồng, chăm bón, làm cỏ đợi ngày thu hoạch. Trồng một lần nhưng được thu hoạch quanh năm và nhiều năm sau đó, giúp bà con có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.

la-dong-trang-cat-04-1705479265.jpg
Lá dong ở làng Tràng Cát có bản to, lá dày, đẹp.

Chị Nguyễn Thị Khuyên (người dân làng Tràng Cát, Kim An) cho hay, gia đình chị có khoảng 4 sào lá dong, nhưng do không đủ cung cấp cho thương lái lên chị phải đi mua thêm của người dân. Do đó, ngay từ đầu tháng Chạp ngày nào chị cũng phải thu hoạch lá dong để chuyển đến cho các cơ sở làm bánh chưng.

"Lá dong ở làng Tràng Cát có bản to, lá dày, đẹp. Đặc biệt người dân nơi đây chỉ trồng và thu hoạch lá dong nếp khi nấu bánh sẽ xanh và ngon hơn. Còn nếu dùng lá dong tẻ bánh chưng khi nấu chín sẽ bị thâm không đẹp mắt", chị Khuyên tự hào nói.

Điều đặc biệt làm nên thương hiệu lá dong Tràng Cát là bởi, Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của dòng sông Đáy, đất màu mỡ, lá to đẹp, đều. Bên cạnh đó là khí hậu ôn hòa, nên lá phát triển rất tốt.

Mặt dưới của lá dong Tràng Cát có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá. Nếu dùng để gói bánh chưng sẽ cho bánh màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có vị thơm hấp dẫn sau khi luộc chín.

la-dong-trang-cat-02-1705479305.jpg
Nếu dùng lá dong Tràng Cát để gói bánh chưng sẽ cho bánh màu xanh tự nhiên.

Cây dong mỗi năm cho khoảng 3 đến 4 lần cắt bán. Lá dong có thể bán quanh năm và chủ yếu phục vụ cho các nhà hàng, không phải đi bán lẻ. Sau mỗi lần cắt chỉ cần biết cách chăm bón thì lại ra lứa lá tiếp theo.

Chuẩn bị đến vụ thu hoạch lá dong dịp tết, năm nay, nông dân ở Tràng Cát phấn khởi vì lá dong bán được giá hơn so với năm ngoái. Nhiều gia đình phải thuê người cắt lá dong để kịp bán Tết. Mỗi sào lá dong, các hộ gia đình ước tính thu được khoảng 30 triệu đồng. Nghề trồng lá dong góp phần tạo nên bản sắc của làng quê ngoại thành Hà Nội vừa tạo sinh kế tăng thu nhập cho người dân./.

Bình Châu