Mùa đào Tết trên bản vùng cao, lan tỏa sắc xuân tạo sinh kế bền vững

Hiện nay, cây đào được người dân trồng ở quanh nhà, trên nương, đồi, tập trung tại bản Pa Kha, Lóng Luông, Co Chàm thuộc xã Lóng Luông và một số xã vùng cao của huyện Vân Hồ. Không chỉ bán đào Tết, vào mùa hoa đào nở, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển du lịch để du khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Nhờ đó, cũng giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
dao-tet-vung-cao-1-1737598972.jpg
Khách hàng mua cành đào tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La). (Ảnh CTV)

Những ngày này, tại tỉnh Sơn La, thị trường đào Tết đang rất nhộn nhịp. Nhiều thương lái đến thu mua cành, cây đào đưa về miền xuôi tiêu thụ. Nhờ đó, người trồng đào có thu nhập cao, cuộc sống ngày càng nâng lên.

Hiện nay, tại huyện Vân Hồ có khoảng 1.000ha đất trồng cây đào. Cành và cây đào trồng luôn mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân trong dịp Tết cổ truyền hàng năm.

Lóng Luông là một trong những xã có diện tích trồng đào lớn nhất của huyện Vân Hồ. Những năm gần đây, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân trồng, đầu tư chăm sóc, phát triển cây đào. Bởi vậy, cây đào là loại cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Theo anh Mùa A Thu một người có thâm niên hàng chục năm trồng đào tại bản Co Chàm (xã Lóng Luông), cho biết trước kia cây đào chủ yếu là bán quả nên thu nhập không cao.

Những năm gần đây, cành, cây đào được nhiều thương lái từ các tỉnh, thành phố đến thu mua mang về miền xuôi tiêu thụ. Nhờ đó, cây đào đã mang lại giá trị cao, ổn định hơn cho các hộ trồng.

Hiện nay, gia đình anh Thu có gần 4 ha trồng 500 cây đào, những cây trồng được khoảng 6 năm trở đi thì có thể bán được cành với giá cao. Đặc biệt, gia đình anh Thu có nhiều cây đào trồng được 30 năm. Cùng với đó, gia đình anh chú trọng đầu tư, chăm sóc cho cây đào nên cành to, nhiều nụ, hoa nở đẹp, lâu tàn.

dao-tet-vung-cao-3-1737598958.jpg
Huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) nổi tiếng với loại đào đá mốc gốc bởi vẻ đẹp độc lạ, những thân cây xù xì trông như khúc củi, bên ngoài thì rêu mọc phủ kín lại được nhiều người săn đón. (Ảnh CTV)

Hằng năm, trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, thương lái từ các tỉnh, Thanh Hóa, Nghệ An và thành phố Hà Nội đã đến để đặt cọc tiền thu mua cành, gốc đào ghép. Năm nay, gia đình anh xuất bán được khoảng 1.000 cành đào, 100 gốc ghép đào phai (được khoảng 350 triệu đồng) và 150 triệu đồng từ bán quả đào.

Anh Sồng A Đô, bản Săn Cài, xã Lóng Luông, cho biết, gia đình anh trồng gần 600 cây đào. Rút kinh nghiệm các năm, anh cũng như bà con trong xã không chặt xô cành đào đem bán, mà chọn những cành đào có thế đẹp, nhiều nụ để chặt và chở ra bán cho các thương lái, người chơi đào Tết. Mỗi vụ đào, gia đình anh thu được khoảng 50 triệu đồng.

Theo đánh giá của nhiều thương lái, đào năm nay hoa đẹp và nở đúng dịp Tết, vì vậy, bán được giá hơn, từ 200 nghìn đồng đến vài triệu đồng/cành, tùy theo kiểu dáng, có nhiều hay ít nụ và từng loại đào. Nhiều hộ trồng đào còn bán cả cây với giá từ vài triệu đồng, có những cây trồng lâu năm, dáng đẹp có giá tới 50 triệu đồng.

Là khách hàng nhiều năm thu mua đào ở xã Lóng Luông về xuôi bán, anh Lê Đức Hà, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Dưới xuôi rất chuộng giống đào ở Lóng Luông, trong đó, loại đào Lào được giá nhất, vì có hoa to, cành mập và nhiều rêu bám vào thân cây. Năm nào, tôi cũng lên mua về thành phố Thanh Hóa để bán.

Hiện nay, xã Lóng Luông có diện tích trồng đào nhiều nhất huyện Vân Hồ với 255 ha. Cây đào có sức sống mạnh mẽ, thích nghi với vùng đất này bởi có nền nhiệt độ thấp và độ ẩm cao. Sau những tháng ngày “ngủ đông”, chống chọi với cái rét vùng cao, những nụ hoa từ từ cựa mình bung nở đúng dịp Tết đến, xuân về.

dao-tet-vung-cao-4-1737599145.jpg
Người dân vận chuyển những cành đào của gia đình để cung cấp cho thương lái tại khu vực xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. (Ảnh TTXVN)

Khách hàng dưới xuôi rất chuộng, bởi đào trồng ở tỉnh Sơn La nói chung, huyện Vân Hồ nói riêng được chăm sóc, phát triển tự nhiên, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên có hoa to, đẹp, nhiều nụ và rong rêu bám vào thân cây. Hơn nữa, cành đào cũng có các mức giá khác nhau, thích hợp với nhiều đối tượng khách nên rất dễ bán, không lo bị ế hàng.

Cây đào sau khi chặt cành bán, sau 1 - 2 năm lại được “tái sinh”, có thể tiếp tục khai thác bán cành. Đào được người dân trồng ở quanh nhà, các sườn đồi, đẹp nhất là thung lũng đào ở bản Pa Kha và bản Lóng Luông. Vào mùa hoa đào nở, nhiều hộ phát triển du lịch trải nghiệm, cho du khách đến tham quan, chụp hình, góp phần tăng thu nhập.

Hiện nay, cây đào được người dân trồng ở quanh nhà, trên nương, đồi, tập trung tại bản Pa Kha, Lóng Luông, Co Chàm thuộc xã Lóng Luông và một số xã vùng cao của huyện Vân Hồ. Vào mùa hoa đào nở, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển du lịch để du khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Nhờ đó, cũng giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo UBND xã Lóng Luông cho biết: Cây đào là một trong những cây trồng chủ lực của xã, với khoảng 1.000 hộ trồng đào. Trung bình mỗi hộ trồng 100 - 700 cây, nhiều hộ thoát nghèo nhờ cây đào. Bà con trồng gối vụ từ năm này qua năm khác, đảm bảo năm nào cũng có đào bán. Những năm gần đây, xã tổ chức Ngày hội hoa đào để quảng bá giới, thiệu hình ảnh hoa đào, thúc đẩy phát triển du lịch, giúp người dân trên địa bàn xã tiêu thụ đào tốt hơn.

Phát huy điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, bà con xã Lóng Luông tiếp tục phát triển cây đào theo nhiều hướng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, diện tích trồng cây đào của huyện Vân Hồ luôn được duy trì ổn định. Cây đào đã mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ trồng đào, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm./.

Bình Châu