Từ lâu, Tranh Khúc đã trở thành thương hiệu, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, lại nức tiếng gần xa bởi những chiếc bánh chưng vuông vắn, gói trọn tinh hoa văn hóa truyền thống.
Bắt đầu từ Rằm tháng Chạp đến tận ngày 28 - 29 Tết, nhà nào nhà nấy đều rộn ràng, người vo gạo, người đồ đỗ, người thái thịt, không khí sản xuất khẩn trương. Hương gạo nếp thơm lừng, hòa quyện với hương đỗ xanh ngọt bùi, lan tỏa khắp nơi. Những chuyến xe chở lá dong xanh mướt, chở gạo nếp thơm lừng nối nhau ra vào, chở bánh chưng đã luộc chín, làm náo nhiệt những con đường làng vốn yên ả.
Ông Nguyễn Đăng Ngữ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tổng hợp Dịch vụ Thương mại Văn Khúc cho biết, vụ bánh chưng Tết năm nay bắt đầu từ ngày 10 tháng Chạp cho tới đến ngày 28-29 tháng Chạp. Trong dịp này, mỗi hộ sẽ gói từ 10.000-15.000 bánh chưng, ước tính sản lượng của 105 hộ đạt hơn 1 triệu chiếc cung cấp ra thị trường.
Một điểm đặc biệt trong cách gói bánh của người dân làng nghề Tranh Khúc là họ không sử dụng khuôn mà hoàn toàn gói thủ công bằng tay.
“Gói bánh chưng bằng khuôn sẽ không chặt, khi luộc lên bánh dễ bị nát, nước ngấm vào khiến bánh không giữ được hương vị, không để được lâu. Với gói bánh bằng tay, trung bình 1 tiếng chúng tôi gói được từ 100-150 chiếc bánh,” bà Bạch Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ thôn Tranh Khúc, cũng là cơ sở sản xuất bánh chưng chia sẻ.
Còn về giá bán, bánh chưng dịp Tết thường có giá cao hơn so với ngày thường một chút. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào kích cỡ của bánh chưng, nhưng hiện nay có các loại giá như 50.000 đồng, 70.000 đồng, 80.000 đồng, 100.000 đồng... Nếu khách hàng có yêu cầu hút chân không để bánh bảo quản được lâu hơn thì giá sẽ cao hơn một chút.
Dù ở nước ta có rất nhiều làng nghề sản xuất bánh chưng nổi tiếng, nhưng bánh chưng Tranh Khúc từ xưa tới nay vẫn luôn chiếm một chỗ đứng quan trọng trên thị trường.
Không chỉ là món ăn mang đậm hương vị Tết Việt, bánh chưng Tranh Khúc còn là cầu nối văn hóa, gửi gắm những giá trị tinh thần truyền thống đến mọi miền Tổ quốc. Hương vị ấy, gói ghém trong từng lớp lá dong xanh mướt, từng hạt gạo nếp dẻo thơm, không chỉ làm ấm lòng người thưởng thức, mà còn để mọi người nhớ về phong vị và truyền thống lâu đời.
Để tạo nên được vị thế đó, việc lựa chọn nguyên liệu để làm bánh rất khắt khe, yêu cầu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, bánh tuyệt đối không được sử dụng chất phụ gia, không chất bảo quản và các sản phẩm đều được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; có logo, mã vạch riêng giúp khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bà Lý Thị Thiệp (66 tuổi), Trưởng thôn tại làng Tranh Khúc chia sẻ, nhờ có bánh chưng, đời sống kinh tế người dân có nhiều thay đổi. “Nghề làm bánh chưng ở làng mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân địa phương, giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao, nhiều nhà làm bánh không chỉ thuê nhân công tại chỗ, mà còn thuê lao động từ các địa phương khác như Thanh Hoá, Nghệ An, Hưng Yên..., bà Thiệp cho hay.
Đại diện lãnh đạo xã Duyên Hà cho biết để đẩy mạnh và nâng cao giá trị thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc, chính quyền địa phương đã khuyến khích các hộ sản xuất bánh chưng xây dựng sản phẩm đạt thương hiệu OCOP.
Đến nay, trên địa bàn làng nghề đã có 3 cơ sở sản xuất bánh chưng được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); trong đó, có một hộ đạt OCOP 4 sao.
Nhờ có hướng đi đúng đắn đã giúp sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc không chỉ xây dựng được thương hiệu trong nước, mà còn “xuất khẩu” ra các thị trường có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống và định cư như Ba Lan, Liên bang Nga, Đức, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc...
Từ năm 2011, làng Tranh Khúc đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Năm 2023, xã Duyên Hà cũng được công nhận là xã điểm du lịch của Hà Nội.
Hiện nay, làng Tranh Khúc còn hướng đến việc trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Xã Duyên Hà đang triển khai mô hình du lịch trải nghiệm làng nghề bánh chưng truyền thống, kết hợp với việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tổ chức các hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng thực tế, nhằm thu hút du khách, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên muốn khám phá và tìm hiểu về văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam./.