Trồng keo đầu xuân: Áo mới cho núi đồi, lộc biếc mang ấm no

Những ngày đầu xuân, khi tiết trời còn se lạnh, trên khắp các đồi keo ở miền núi Thanh Hóa, người dân đã bắt đầu một mùa trồng mới. Với họ, cây keo không chỉ là cây lấy gỗ mà còn là "lộc biếc" mang lại cuộc sống ấm no.
trong-keo-dau-xuan-2-1740288553.jpg
Bà con nông dân xã Thanh Tân huyện Như Thanh đang hăng hái lên đồi trồng keo trong những đầu năm.

Góp lá vá rừng

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho Đất nước càng ngày càng xuân”, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương, các hộ dân ở xã Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã tận dụng những khoảng đất trống, để trồng keo với hi vọng gieo mầm xanh cho đất, góp phần tăng thêm thu nhập.

Vào những năm 80 của Thế kỷ trước, tại xã Thanh Tân, (Như Thanh) từng được mệnh danh là thủ phủ của rừng lim xanh. Tuy nhiên do nghèo đói mà hàng vạt cánh rừng nguyên sinh đã bị người dân chặt hạ để đong gạo ăn hàng ngày. Chẳng mấy chốc những cánh rừng bát ngát bống chốc hóa thành đồi trọc.

Để giữ lại rừng, khôi phục lại sắc xanh cho mẹ tự nhiên, Trung ương và địa phương đã tích cực kêu gọi nhân dân trồng cây gây rừng. Hưởng ứng lời kêu gọi đấy, hàng loạt những quả đồi trọc bắt đầu được khoác lên một màu xanh mới của những cây keo non. Đáp lại tình thương yêu chăm sóc của người dân, những cây keo sinh trưởng rất nhanh, chỉ trong vòng 5 năm đã có thể khai thác, tạo nguồn thu nhập lớn cho những hộ dân nơi đây.

keo-dau-xuan-5-1740289182.jpg
Việc trồng keo hiện nay rất thuận lợi, nhờ đường xá phát triển mà ô tô có thể chở giống đến tận nơi phục vụ cho bà con.

Ông Hà Văn Khương (70 tuổi) trú tại thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh chia sẻ: "Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc của chính quyền. Trồng keo không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nên bà con ai cũng nhiệt tình tham gia".

Theo ông Khương, những ngày đầu năm mới là thời điểm lý tưởng để trồng keo. Chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 5 năm, mỗi héc-ta keo có thể cho thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng. Bởi vậy, keo là cây trồng được nhiều người dân miền núi ưa chuộng, giúp họ vượt qua khó khăn, xây nhà cửa.

Theo chân bà con lên đồi trồng keo, chúng tôi mới cảm nhận được không khí lao động hăng say, náo nhiệt của những ngày đầu xuân. Trên những đồi keo, tiếng cuốc xẻng vang lên như một bản nhạc rộn ràng. Các thanh niên tay cầm cuốc xẻng, thoăn thoắt đào hố trồng cây. Chị phụ nữ nhẹ nhàng đặt từng cây keo non xuống hố, rồi vun đất lấp lại.

Công việc cứ thế tiếp diễn, nhịp nhàng và khẩn trương. Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt người nông dân, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi, như những bông hoa rừng rực rỡ. Tiếng cười nói vui vẻ như xé tan màn sương dày đặc của núi rừng.

trong-keo-dau-xuan-1-1740288671.jpg
Anh Lê Anh Tuấn Giám đốc Công ty TNHH sản xuất lâm nghiệp Thảo Nguyên chuyên nghiên cứu, cung cấp giống keo sinh trưởng và phát triển tốt nhất cho bà con.

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh Hà Văn Tài chia sẻ: “So với các loại cây trồng khác, keo là lựa chọn phù hợp nhất với bà con nơi đây. Keo ít công chăm sóc, lại nhanh cho thu hoạch. Nhiều gia đình tranh thủ trồng keo rồi đi làm công nhân, vài năm sau quay về thu hoạch, có một khoản vốn kha khá để xây nhà, sửa cửa”.

Để đáp ứng nhu cầu cây giống cho bà con, hiện nay xã Thanh Tân đã có tới 4 vườn ươm cây giống. Mỗi một vườn ươm đều có 4 đến 5 loại keo cho bà con lựa chọn. Vườn ươm cây giống của anh Lê Anh Tuấn (thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân) chuyên cung cấp các loại keo cành và keo Úc.

Anh Tuấn cho biết: “Gia đình tôi đã làm vườn ươm được hơn 10 năm nay. Năm 2021, tôi đã thành lập Công ty TNHH sản xuất lâm nghiệp Thảo Nguyên chuyên nghiên cứu, cung cấp giống keo sinh trưởng và phát triển tốt nhất cho bà con. Chúng tôi có các loại keo cành và keo Úc. Keo cành có ưu điểm là sinh trưởng nhanh, gỗ chắc, phù hợp với nhiều loại đất và được dùng chủ yếu để lấy gỗ. Keo Úc có tán lá rộng, khả năng chịu hạn tốt, thích hợp với vùng đất khô cằn và thường được trồng để chắn gió, phòng hộ. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một số giống keo lai mới, cho năng suất cao hơn và kháng bệnh tốt hơn”.

Nguồn sống của bản vùng cao

Nhiều năm trở lại đây, cây keo đã trở thành "cây vàng" của người dân ở trung du và miền núi tỉnh Thanh Hóa. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, hiện trên địa bàn có 102.856 ha rừng trồng keo, chiếm 41,46% diện tích rừng trồng, tập trung chủ yếu tại các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Lang Chánh và Vĩnh Lộc.

keo-dau-xuan-1740288846.jpeg
Sau 5 năm cây keo đã cho thu hoạch với giá trị từ 80 đến 120 triệu đồng/ ha.

Với năng suất bình quân đạt 90 - 100 tấn gỗ/ha, cây keo đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Ước tính mỗi một vụ keo (4 đến 5 năm), người dân Thanh Hóa thu về hàng trăm triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây keo có nhiều ưu điểm vượt trội về hiệu quả kinh tế và tính ổn định.

Ông Lô Văn Thăng trú tại thôn Bãi Sim, xã Thanh Kỳ huyện Như Thanh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhưng từ khi chúng tôi chuyển từ đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng keo. Hiện nhà tôi có 4ha keo, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình tôi xây được nhà mới, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và có vốn để đầu tư cho con cái ăn học”.

Cây keo không chỉ mang lại "lộc biếc" cho người dân Thanh Hóa, mà còn góp phần quan trọng vào việc "thay áo mới" cho đất cằn. Nhiều gia đình đã đổi đời nhờ cây keo, có cuộc sống ấm no hơn. Rừng keo cũng giúp bảo vệ môi trường, tạo ra không gian xanh mát. Tuy nhiên, để nghề trồng keo phát triển bền vững, người dân cần chú trọng đến việc lựa chọn giống cây chất lượng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và bảo vệ rừng khỏi sâu bệnh, cháy rừng.

trong-keo-dau-xuan-4-1740289125.jpg
Để thuận lợi cho việc khai thác, thu hoạch keo, nhiều xương thu mua keo đã mọc lên.

Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết: “Cây keo có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Nhờ trồng keo, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Theo thống kê của xã, trong 5 năm qua, đã có hơn 446 hộ dân thoát nghèo nhờ trồng keo.  Không những vậy, nhờ trồng keo, hệ sinh thái rừng cũng được cải thiện đáng kể, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, bảo vệ nguồn nước ngầm và tạo ra không khí trong lành”.

Những đồi keo xanh mướt không chỉ là nguồn sinh kế của người dân vùng Cao xứ Thanh mà còn là biểu tượng cho ý chí vươn lên và khát vọng đổi đời. Từng hàng cây non vươn mình trong nắng gió, như minh chứng cho sự bền bỉ, hiển cường của con người nơi đây. Mùa xuân đến, những cánh rừng keo tiếp tục phủ xanh đất trống, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo vệ môi trường, mở ra một tương lai vững chắc cho quê hương./.

Hà Khải