Trong căn hầm bí mật

Thuở ấy... Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc.
272616707-3153573504970629-979934164471181097-n-1643707969.jpg
Cựu chiến binh Hoàng Đạo bồi hồi khi nhận được thư của nữ y tá Trần Thị Kính sau 31 năm bặt tin tức

Lệnh ngừng bắn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bắt đầu có hiệu lực nên cánh lính chúng tôi tạm thời được ngơi tay súng chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ (năm 1965). Ai cũng có cảm giác háo hức, hồi hộp, mong chờ một điều thật thiêng liêng và tốt lành nhất sẽ đến trong năm mới.

Theo sự phân công, Đại đội 94 hỏa lực (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 22, Sư đoàn 3-Sao Vàng) chúng tôi về Chợ Cát (nay thuộc thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Tiểu đội tôi tạm trú trong một ngôi nhà vắng chủ (ở khu vực này hầu hết các hộ dân đều bị địch dồn ép vào các khu tập trung nên nhiều nhà bỏ trống).

Chiều Ba mươi Tết, sau khi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, anh em trong tiểu đội ra vườn tìm kiếm những thứ quả còn sót lại sau những trận pháo kích của địch để chuẩn bị làm lễ đón Giao thừa. Dù đang thời chiến thì cũng phải đàng hoàng, tươm tất nhất có thể!

Vừa lúc đó Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đợi bước vào, theo sau là một cô gái trẻ măng, ước chừng mười sáu, mười bảy tuổi, dáng người nhỏ nhắn trong bộ bà ba đen, đầu đội mũ tai bèo, vai đeo chiếc túi cứu thương to tướng. Cánh lính chúng tôi bỗng dưng ngây mặt, trố mắt nhìn cô gái... Vẻ bẽn lẽn, ngại ngùng, cô gái cứ núp sau lưng anh Đợi.

Của đáng tội, lâu lắm rồi chỉ lo việc đánh đấm, chúng tôi có được tiếp xúc với cô gái nào đâu. Đại đội trưởng phì cười, quát: “Mấy ông tướng, mồm miệng đi đâu hết rồi hả? Mời khách vào nhà đi chứ!”, rồi trịnh trọng: “Giới thiệu với anh em, đây là đồng chí Trần Thị Kính, y tá của xã Hoài Hảo được bổ sung biên chế về đại đội ta. Còn giới thiệu với em Kính, đây là Tiểu đội trưởng Hoàng Đạo cùng anh em trong tiểu đội hỏa lực của đại đội ta”.

Anh Đợi quay sang tôi như nói với tất cả mọi người: “Này, tin tưởng lắm tớ mới giao cô y tá này cho tiểu đội cậu đấy nhé. Tất cả phải có trách nhiệm giúp đỡ em Kính hoàn thành nhiệm vụ, rõ chưa?”. “Rõ!”- chúng tôi đồng thanh thật to.

Đại đội trưởng Đợi co tay xem đồng hồ, giọng tự nhiên nhẹ bẫng: “Giao thừa rồi!”. Chúng tôi không ai bảo ai, tất cả đều đứng dậy, chỉnh đốn trang phục, hướng mắt về phía bàn thờ. Nét mặt ai cũng rưng rưng xúc động. Trong mùi hương ngan ngát, trong bầu không khí trang nghiêm, thời gian như ngưng đọng.

Tâm trí tôi trôi về miền Bắc, nhớ những mùa Tết đã qua ở ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Vĩnh Phúc quê hương… Tôi lại nhớ tới những người đồng đội thân yêu tất niên năm ngoái, họ vẫn còn ở bên tôi, hút chung điếu thuốc, kể cho nhau nghe câu chuyện “làng tớ”… vậy mà giờ đây, sau những trận chiến đấu vô cùng khốc liệt đã đôi nẻo âm dương cách biệt...

Tiếng Đại đội trưởng Đợi dõng dạc cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi: “Chúc các đồng chí đón Tết vui vẻ! Năm mới thêm sức khỏe, đánh giặc giỏi, lập nhiều chiến công mới!”. Cả tiểu đội vỗ tay, nối tiếp nhau chúc lại người chỉ huy đáng kính. Không khí đón Giao thừa vui trở lại. Tôi rót rượu ra bát to, mời đại đội trưởng uống trước, sau đó chuyền tay nhau mỗi người một hớp. Chúng tôi vừa uống rượu, ăn bánh đa, cùi dừa vừa thi nhau hát hò rôm rả.

Trước sự thân tình, cởi mở của tiểu đội, nữ y tá Kính dần dần cũng mạnh dạn hơn. Có chút rượu khiến đôi má cô thêm ửng hồng trông lại càng duyên dáng. Theo đề nghị của mọi người, Kính cất tiếng hát. Giọng hát trong trẻo từ bài “Xuân chiến khu” rộn ràng tươi sáng, chuyển sang những câu ca bài chòi “đặc sản” của quê hương Bình Định đằm thắm thiết tha…

272410740-3153573594970620-5914074674188342826-n-1643708040.jpg
Bức thư của bà Trần Thị Kính

Sáng sớm Mồng Hai Tết, còn chưa hết thời gian thỏa thuận ngừng bắn, phía địch đã có hành động lấn chiếm vùng giải phóng. Giặc cho máy bay trinh sát quần lượn khắp khu vực Chợ Cát, Tam Quan, Đồi Mười và nhiều nơi khác ở phía bắc huyện Hoài Nhơn, đặc biệt là ở Chợ Cát, nơi Tiểu đoàn 9 đứng chân. 15 giờ 30 phút Mồng Ba Tết, chiến sự nổ ra ác liệt. Sau hàng loạt rốc-két bắn phá dữ dội để dọn đường, giặc ồ ạt đổ quân xuống Chợ Cát. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 9 và dân quân du kích địa phương đánh trả quyết liệt.

Kính xắn quần đến đầu gối, tóc búi ngược, mặc cho đạn nổ, mặc cho khói bụi mịt mù, mồ hôi nhễ nhại trên mặt, trên lưng, cứ như con thoi chạy hết đoạn hào này lại bò tới đoạn hào khác băng bó vết thương cho thương binh. Cuộc chiến dai dẳng, khốc liệt, tôi và Kính luôn bên nhau.

Tôi nghiệm thấy cô gái này bề ngoài tưởng chừng yếu đuối mà bên trong ẩn chứa sự gan góc, cứng cỏi đến lạ thường. Tôi cũng bình tĩnh, sáng suốt và tự tin hơn khi được gần một cô gái “đất võ”.

Một buổi sáng tinh mơ, đại đội tôi đến xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn lấy gạo tiếp tế thì bất ngờ quân Mỹ đổ quân lùng sục gắt gao. Để bảo toàn lực lượng, toàn đại đội rút xuống hầm bí mật. Lúc đó, tôi và Kính ở nhà má Tâm.

Căn hầm bí mật chỉ đủ cho một người nhưng chúng tôi có tới hai người, biết làm sao? Tôi nhường Kính, Kính nhường tôi, tiếng đạn nổ mỗi lúc một gần... Má Tâm kêu: “Tụi bây xuống cả đi, tụi nó đến tức thì đó!”, rồi má đẩy cả hai đứa xuống hầm, đậy nắp.

Căn hầm chật chội, tôi và Kính phải ngồi ép sát vào nhau mới đủ chỗ ẩn náu. Mùi da thịt con gái khiến tôi có cảm giác lâng lâng khó tả. Qua ánh sáng mờ mờ từ lỗ thông hơi hắt xuống, tôi nhận thấy ánh mắt Kính nhìn tôi rất lạ, hơi thở mỗi lúc một gần.

Từ trên mặt đất vọng xuống tiếng bọn Mỹ la ó, tiếng đạn nổ, tiếng khóc thét của trẻ nhỏ… Căng thẳng. Căng thẳng đến tột độ. Kính đã dựa hẳn người vào lòng tôi lúc nào không biết. Thú thực lúc đó tôi thèm được đặt lên đôi môi đang hé mở kia một nụ hôn lắm. Tôi thèm được ôm siết thân hình kia trong vòng tay mình. Tôi thèm… lắm lắm.

Nhưng không! Không thể được! Bởi đời bộ đội nay đây mai đó, biết ngày mai ra sao, tôi không được làm khổ một người con gái đáng yêu như Kính. Bất giác, tôi như người mơ ngủ bừng tỉnh dậy, buông vội tay Kính ra. Kính cũng đã bình tĩnh lại, che miệng cười… 3 giờ chiều, má Tâm mở nắp hầm thông báo “địch đã rút quân rồi. Hai đứa tụi bây lên khỏi hầm không thì chết ngạt”. Ra khỏi hầm, tôi nhìn Kính, Kính nhìn tôi vẻ ngượng ngùng...

Thời gian sau đó, tôi được cử đi học lớp hạ sĩ quan của trung đoàn. Lúc chia tay, hai chúng tôi nắm chặt tay nhau ước hẹn đến ngày thắng lợi, nếu còn sống sẽ trở về tìm nhau và bên nhau mãi mãi. 3 tháng học kết thúc, tôi vẫn về tiểu đoàn cũ nhưng ở Đại đội 91 bộ binh.

Thế rồi sau một trận chiến đấu vô cùng quyết liệt giữa Đại đội 91 với cả một tiểu đoàn lính Mỹ ở thôn Hy Thế, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tôi bị thương nặng phải về bệnh xá trung đoàn điều trị. Tại đây, tình cờ gặp cậu bạn ở Đại đội 94, tôi hỏi thăm về Kính thì được biết em mới bị địch phục kích bắt trong chuyến công tác về xã Hoài Hảo. Rụng rời chân tay, tim như bị bóp nghẹt, tôi quỵ xuống…

Do vết thương nặng, tôi được chuyển ra Bắc rồi về Đoàn An dưỡng 251 ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; sau đó về công tác tại Xí nghiệp X10 (nay là Nhà máy Z117 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đứng chân tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi đã nhiều lần biên thư tìm em nhưng thư đi chẳng có hồi âm, hy vọng để rồi vô vọng…

Thật không thể ngờ, ngày 8-8-1998, tôi nhận được thư của Kính. Vui mừng khôn xiết, tôi cười mà nước mắt tuôn rơi. Kính ơi! Ba mươi mốt năm rồi… Sao thư đến muộn thế! Nhưng thôi… biết em còn sống, biết em đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc là anh mãn nguyện lắm rồi.

Mừng hơn nữa khi em viết rằng những con đường nát bươm vì bom đạn giặc ngày ấy nay đã được bê tông hóa; những hàng dừa bị lửa napal thiêu đốt năm xưa nay đã xanh trở lại; những ngôi trường rộn rã tiếng cười trẻ thơ… Máu của đồng đội, của bà con, của anh, của em đổ xuống thật không uổng. Bức thư của em, tôi sẽ nâng niu trân trọng như một kỷ vật thiêng liêng, vô giá./.