Chất liệu dân gian trong một số ca khúc đỉnh cao của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Tài Tuệ vừa dời cõi tạm ra đi hồi 9 giờ 17 phút ngày 11 tháng 2 năm 2022, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bè bạn và công chúng yêu âm nhạc.
nhac-si-nguyen-tai-tuej-giao-duc-viet-nam-2-1644570419.jpg
Chân dung NS Nguyễn Tài Tuệ

Nguyễn Tài Tuệ (1936-2022) chỉ có khoảng 15 ca khúc nhưng tên tuổi của ông đã được định vị chắc chắn trên bản đồ âm nhạc Việt. Thủy chung với ý niệm: Quý hồ tinh bất quý hồ đa, suốt cuộc đời ông lặng lẽ kiếm tìm những giá trị tinh hoa của dân tộc và nhân loại, tích hợp lại để tạo nên những tác phẩm âm nhạc bác học, toàn bích, sang trọng, hiện đại nhưng vô cùng truyền thống.

Như cái cây cắm rễ sâu vào nguồn mạch dân tộc, âm nhạc dân gian đã trở thành dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tài năng của người nhạc sĩ. Dường như trong mỗi tác phẩm của ông (cả thanh nhạc và khí nhạc), từ thang âm, điệu thức, đến tiết tấu đều được khởi nguồn từ âm nhạc truyền thống. Nhờ thế, những giai điệu âm nhạc phương Tây xa lạ trở nên mềm mại, quen thuộc, thấm đẫm hồn Việt.

Chẳng hạn: Xa khơi, Mơ quê khởi nguồn từ Ví, Giặm - dân ca Nghệ Tĩnh. Mùa xuân gọi bạn (Bài ca gửi Noọng), Suối mường Hum còn chảy mãi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó dựa trên dân ca miền núi phía Bắc. Hà Nội và em mang hơi thở của dân ca Bắc Bộ. Xôn xao bến nước, Lỡ hẹn ra đời trên nền tảng dân ca Nam Bộ.

Nhạc múa: Tùy hứng trống cơm, Trống Bồng phát triển từ âm nhạc dân gian Bắc Bộ; Hương Xuân (Inh lả ơi) lấy cảm hứng từ dân ca Thái (Tây Bắc). Ca cảnh Mùa xuân lên nương là sự phát triển dân ca HMông. Ca kịch Nữ thần mặt trời, Bản giao hưởng Giục giã và bản Concerto Thanh xuân Cao nguyên - những tác phẩm hàn lâm, mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên…

Đặc biệt trong những tác phẩm đỉnh cao: Chất liệu dân gian đã được ông sử dụng một cách diệu nghệ tài hoa. Hóa thân vào mỗi ca khúc, chúng được tái sinh, thăng hoa, đồng loạt phát sáng để làm nên những kiệt tác, góp phần đưa nền âm nhạc dân tộc phát triển lên một nấc thang mới. Đó chính là đóng góp loại biệt của Nguyễn Tài Tuệ cho lịch sử nền âm nhạc đương đại nước nhà.

Với bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu: Xa khơi, Mùa xuân gọi bạn, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó - những tuyệt phẩm đã làm nên tên tuổi và phong cách nghệ thuật độc đáo của ông. Vượt qua sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian, chúng đã khẳng định sức sống bền lâu của mình trong đời sống âm nhạc nước nhà. Song có một nghịch lý: Xa khơi, Mùa xuân gọi bạn, Tiếng hát giữa rừng Pác bó khi ra đời đều nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng và giới chuyên môn nhưng cả ba đều chịu chung số phận chuân chuyên, bị cấm lưu hành.

Trong khi, Xa khơi thuộc đề tài đấu tranh thống nhất, được lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế Vĩnh Linh - Quảng Trị. Nhưng phải đến lúc đi điền dã ở Hòa Bình, sự thông tuệ của trái tim mới được khai mở, người nghệ sĩ xuất thần tìm ra được cách thể hiện độc sáng, tinh tế và hiệu quả nỗi đau chia cắt bằng hình tượng người đàn bà vọng phu cô đơn một mình đối diện với biển khơi rợn ngợp trong một giai điệu tuyệt đẹp được chiết xuất từ những khúc dân ca đọng đầy nước mắt mà người ấy đã thuộc nằm lòng, đã thấm vào từng tế bào và đêm ngày không ngừng chảy trong huyết quản của ông.

Mùa xuân gọi bạn là khúc hát trữ tình trong sáng, tươi vui rộn rã, là bản tình ca ngợi ca cuộc sống mới con người mới, thuộc mảng đề tài lớn thứ hai - Xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nội dung của nó đã được người nhạc sĩ lãng mạn thể hiện qua tình yêu hồn nhiên của đôi trai gái nơi núi rừng Tây Bắc: “Noọng về cùng ta tiếng ca lừng núi/ Ta tắm chung dòng suối”…

Còn Tiếng hát giữa rừng Pác Bó là một bài hát hay, thậm chí hay nhất về chủ đề ngợi ca lãnh tụ - một nội dung trọng tâm của văn nghệ đương thời. Lời ca dâng Bác được tác giả thành kính gửi vào giai điệu hát Then nổi tiếng vùng Đông Bắc, kết hợp với lối nghĩ giản dị của dân gian và cách tư duy bác học uyên bác. Điều đó đã giúp ông thể hiện thành công vẻ đẹp của hình tượng Bác Hồ, Bác vĩ đại mà vô cùng gần gụi.

Bởi theo nguyên tắc thẩm mỹ phương Đông, vĩ nhân luôn được tôn thờ như những siêu nhiên (Bước chân Người đi đất chuyển dời theo Người), được Thần thánh hóa trở nên thiêng liêng, nhuốm màu huyền thoại. Như ông Tiên, ông Bụt, đức độ cao cả của Người có thể cảm hóa được cả những vật vô tri vô giác, nên khi Bác đi xa suối nhớ, rừng thương: “Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ... Người”.

Chắt lọc tận cùng hồn cốt dân gian, không bệ nguyên xi mà di dịch, chuyển điệu một cách uyển chuyển, đồng thời tích hợp chúng với những giá trị mới của thời đại, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã “Làm giàu có vốn âm nhạc dân gian Tày, khiến cho Then Tày mang một vẻ đẹp mới lạ hơn cả về chất và lượng. Tiếng hát giữa rừng Pác Bó trước hết là khúc nhạc trữ tình chứ không bị chất sử thi lấn át.

Nhờ sự tài hoa của ông “Then Tày như được thoát xác trở nên một hình hài mới, lộng lẫy, lấp lánh và rạng rỡ đầy tự hào”. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cho rằng: “Chưa từng có ai phát triển Ví, Giặm tốt như Nguyễn Tài Tuệ”. Và có lẽ, cũng chưa có ai phát triển dân ca Việt Nam thành công như tác giả Xa khơi, Mùa xuân gọi bạn, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó.

Vượt lên mức phổ nhạc hay cắt dán ca dao, dân ca, hoặc đặt lời Việt cho nhạc Tây, ông đã sáng tác được những ca khúc mới - những tác phẩm đỉnh cao, xuất sắc, mẫu mực (Mà cái mới thường ra đời rất khó khăn ở một số ít người thôi) như Xa khơi, Mùa xuân gọi bạn, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xôn xao bến nước, Mơ quê… Là kết tinh thành tựu của cả thời đại, chúng có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống âm nhạc nước nhà.

Vậy, đâu là lý do để Nguyễn Tài Tuệ vượt lên được cái bình bình và trở thành một gương mặt sáng giá không lẫn vào ai trong làng nhạc Việt? Theo chúng tôi, Nguyễn Tài Tuệ không chỉ là nghệ sĩ sáng tác tài hoa mà về một phương diện nào đó ông còn là một nhà lý luận âm nhạc. Có lẽ căn cốt của sự thành công là ở đây.

Bởi vì, dù mọi sự thành công đều có nguyên nhân là kiến thức nhưng để tiềm năng biến thành tài năng, để biến những kiến thức thành những sáng tạo đỉnh cao và độc đáo rất cần những lý luận để soi đường. Tìm hiểu con người và sự nghiệp của Nguyễn Tài Tuệ, ta thấy, ngoài sáng tác, ông còn nắm rất kỹ những vấn đề lý luận âm nhạc, còn để tâm nghiên cứu và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho nghề nghiệp. Chẳng hạn: tiêu chí định giá một tác phẩm, một dòng nhạc, một nhạc sĩ, công chúng thưởng thức… Trong đó, ông đặc biệt chú ý tới vấn đề tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống.

Vẫn biết, người nghệ sĩ trước hết phải là một nhà văn hóa và tầm vóc của anh ta luôn tỷ lệ thuận với trữ lượng văn hóa trong lòng họ. Nhưng nếu khoa học là chúng ta thì nghệ thuật là tôi. Trên thực tế, quá trình khổ luyện, lăn lộn với nghề, quá trình miệt mài ở viện nghiên cứu âm nhạc dân gian, những tháng năm ráng sức học tập tại những cái nôi văn hóa lớn ở nước bạn đã giúp người đàn ông mang cốt cách Hồng Lam Nguyễn Tài Tuệ sớm tìm thấy bản chất của nghệ thuật: Nghệ thuật phải bắt đầu từ cảm xúc, từ sự rung động của trái tim, là sự sáng tạo của riêng tôi.

Nên suốt đời ông không đồng ca: “Tôi không thể giống nhiều người/ Suốt đời chỉ hát những lời đồng ca” (Hà Thế Phương - Tôi không đồng ca). Với ông, “Nghệ thuật cần 4 chữ: Tài năng, Trí tuệ, Truyền thống (Dân tộc), Tư tưởng (Văn hóa). Tâm và tầm… Không có tác phẩm đỉnh cao là không có gì nên phải quan tâm tới cái vĩnh cửu.

Chính cá tính sáng tạo đã giúp ông có thể triển khai đường lối văn nghệ của Đảng một cách rất riêng. Dĩ nhiên, các tác phẩm của ông viết ra đều nhằm phục vụ cách mạng, cổ vũ kháng chiến, vẫn phản ánh những đề tài lớn là đấu tranh thống nhất (Xa khơi), xây dựng chủ nghĩa xã hội (Mùa xuân gọi bạn), ca ngợi lãnh tụ (Tiếng hát giữa rừng Pác Bó).

Dù vẫn tuân thủ triệt để sử dụng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng những nội dung chính trị khô khan không được ông phản ánh trực tiếp mà gián tiếp qua văn hóa; được ông văn nghệ hóa để trở thành những bản tình ca hướng nội: lãng mạn, sâu lắng, ngọt ngào, chứ không phải là những bản anh hùng ca đầy tinh thần hào sảng và hướng ngoại như phần lớn các nghệ sĩ cùng trang lứa.

Mặt khác, những đỉnh cao âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ được hình thành là nhờ những quan niệm sâu sắc và đúng đắn của ông về vấn đề tiếp nhận văn hóa: tiếp nhận đi đôi với tiếp biến. Con đường tiếp nhận tinh hoa văn hóa nước ngoài phải thông qua màng lọc là truyền thống dân tộc mà cao nhất là chủ nghĩa yêu nước.

Với ông, truyền thống luôn là điểm tựa, là yếu tố thuộc nội lực của cá tính sáng tạo còn ảnh hưởng từ bên ngoài chỉ là “những cú hích” cho truyền thống tự đổi mới chứ không phải để thay thế truyền thống. Ông đặc biệt quan tâm khai thác những giá trị của văn hóa dân gian, bộ phận văn hóa nội sinh - nơi lưu giữ toàn bộ sự thông tuệ và minh triết dân gian. Đương nhiên, là văn hóa bản địa, so với văn hóa bác học, những mã văn hóa dân tộc bao giờ cũng được lưu giữ đậm đà hơn ở văn hóa dân gian.

Những giai điệu dân ca quen thuộc đã được Nguyễn Tài Tuệ chưng cất, chọn lựa kỹ càng kết hợp hài hòa với vẻ đẹp từ các nền văn hóa khác. Và sự hóa thân của chúng đã mang đến cho ông những tác phẩm trác tuyệt như: Xa khơi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xôn xao bến nước, Mơ quê.

Giống như họa sĩ Cát Tường, người khiến cho những chiếc áo dài cổ lỗ trút lốt nâu sồng trở thành tấm áo Le mur tân thời kiêu sa, hiện đại mà vẫn mang hồn cốt Việt (Được gợi ý từ những đường cong, đường lượn của những chiếc váy đầm châu Âu), nhạc phẩm của Nguyễn Tài Tuệ cùng một lúc thực hiện được cả ba mục đích: nâng cao chất lượng, hiệu quả nghệ thuật; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những giá trị âm nhạc truyền thống, nên chúng mới mà không lạ.

Thấm nhuần lời dạy của Khổng Tử: “Không học Kinh thi lấy gì mà nói” (Luận ngữ), hiểu rõ văn hóa không ngừng vận động và luôn gắn với sự phát triển, nên những đứa con tinh thần của ông vừa phát huy vốn cổ dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu thời đại. Rồi đi đến tận cùng dân tộc, Nguyễn Tài Tuệ đã gặp nhân loại.

Những quan niệm nghệ thuật đúng đắn và linh giác nghệ thuật đặc biệt đã giúp cho không ít tác phẩm của người nhạc sĩ có trái tim mẫn cảm nhận được huy chương vàng trong các Hội diễn nghệ thuật toàn quốc. Đó là tác phẩm âm nhạc cho các điệu múa: Chim non tung cánh (1980), Trống Bồng (1985), Hương xuân (1990). Và: Xa khơi, Kỷ niệm quê hương, Sonate d-moce (Rê thứ), Suối Mường Hum còn chảy mãi của ông được giảng dạy trong giáo trình của Học viện âm nhạc Quốc gia.

Vinh dự hơn, năm 2001, người nhạc sĩ tài hoa và tâm huyết với nghề Nguyễn Tài Tuệ đã được nhận Giải thưởng Nhà nước cho cụm 5 tác phẩm âm nhạc: Mùa xuân gọi bạn (Bài ca gửi Noọng), Xa Khơi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Thanh xuân cao Nguyên, Xôn xao bến nước. Và có lẽ, trở về cội nguồn dân tộc chính là bí quyết thành công của Nguyễn Tài Tuệ - người đã góp phần quan trọng vào việc kế thừa và phát triển dân ca truyền thống lên một tầm cao mới./.

PGS.TS Trần Thị Trâm