Triển khai nhiều mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn sinh học

Vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ thực hiện 3 mô hình sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả theo hướng an toàn sinh học, gồm: Sản xuất dưa leo tại xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa); sản xuất cây cải ngọt và cây bắp cải tại xã Nghĩa Dũng (thành phố Quảng Ngãi), diện tích mỗi mô hình 0,2ha.
20220527161201757-1654249315.jpg
Ảnh minh họa

Các mô hình triển khai thực hiện trên cơ sở hướng dẫn nông dân sử dụng đồng bộ các biện pháp giải pháp kỹ thuật trong canh tác như: Sử dụng mật độ gieo trồng hợp lý, bón phân cân đối, đúng giai đoạn sinh trưởng cây trồng, ưu tiên sử dụng các biện pháp thủ công, đặc biệt sử dụng hệ thống bẫy bã gồm bẫy chua ngọt theo hướng cải tiến, bẫy dính màu để phòng trừ sâu hại, chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi thật sự cần thiết, khi các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng gây hại cần phải phòng trừ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc BVTV hóa học, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc, đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.

Kết quả trình diễn cho thấy, mô hình canh tác dưa leo theo hướng an toàn sinh học đã giảm được 02 lần phun thuốc BVTV. Năng suất ruộng mô hình đạt 48 tấn/ha, lợi nhuận sau thu hoạch cao hơn 24 triệu đồng/ha cao hơn 4,5 tấn/ha so với sản xuất thông thường, cao hơn 4,5 tấn/ha so với so với phương thức canh tác truyền thống.

Mô hình canh tác cải ngọt theo hướng an toàn sinh học đã giảm được lượng giống gieo/đơn vị diện tích là 2.000g/ha, giảm được 1 lần phun thuốc và 3 loại thuốc BVTV. Năng suất đạt 22 tấn/ha, lợi nhuận sau thu hoạch cao hơn 8 triệu đồng/ha so với phương thức canh tác truyền thống.

Mô hình canh tác bắp cải theo hướng an toàn sinh học đã hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV giảm được 3,75  lần phun thuốc, giảm được 1 - 2 loại thuốc/lần phun so với ruộng nông dân. Năng suất đạt 46 tấn/ha,lợi nhuận sau thu hoạch cao hơn 30 triệu đồng so với phương thức canh tác truyền thống.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh tập trung đẩy mạnh sản xuất rau theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, trong đó ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xem là giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm rau.

Nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao, nhất là nhu cầu về nguồn cung cho bếp ăn tập thể của các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng…Với hiệu quả mà mô hình đạt được, trong thời gian tới hy vọng mô hình sẽ được triển khai nhân rộng tại các địa phương từ đó góp phần tạo nguồn sản phẩm rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp.