Trên 57 tỷ đồng triển khai các đề án khuyến công

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Bắc Giang Ngụy Đình Nghĩa, năm 2022 tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công trên địa bàn.

Theo kế hoạch, năm 2022 Bắc Giang bố trí trên 57 tỷ đồng để triển khai các đề án khuyến công trên địa bàn; trong đó, đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 4,7 tỷ đồng; nguồn kinh phí khuyến công địa phương dự kiến phân bổ là 5,5 tỷ đồng; kinh phí đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn là trên 47 tỷ đồng… .

Theo đó, tỉnh quan tâm du nhập mới và mở rộng ngành nghề, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động tại các xã thuần nông. Tỉnh chú trọng phát triển các ngành nghề nông thôn trên cơ sở tiềm năng nguyên liệu sẵn có của từng vùng như: chế biến nông, lâm sản thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, khai thác vật liệu xây dựng…

Từ nay đến năm 2025, chương trình khuyến công triển khai ở tỉnh Bắc Giang nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm của địa phương có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng tỷ trọng chế biến trong các sản phẩm công nghiệp, nông- lâm - thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp cận với công nghệ mới, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ nay đến năm 2025, các đề án khuyến công của tỉnh Bắc Giang tập trung vào các hoạt động như: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, vật liệu mới và mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Đồng thời, ưu tiên xây dựng các mô hình về chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp phụ trợ, các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ đổi mới, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững.

3140-anh-14-binh-phuoc-1643170896.jpeg
Trên 57 tỷ đồng triển khai các đề án khuyến công. Ảnh minh hoạ

Cùng với đó, tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh gắn với Chương trình khuyến công quốc gia; tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu thành tựu và sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh tại các hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn cấp khu vực, quốc gia; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh.

Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Hình thành liên kết vệ tinh sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ; xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ sở sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh với các doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý; khởi sự, thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp; tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn…

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Bắc Giang Ngụy Đình Nghĩa, năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện 2 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 1,2 tỷ đồng hỗ trợ cho 4 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn; trong đó, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí” hỗ trợ cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí” cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại inox Trang Khoa, huyện Hiệp Hòa.

Tỉnh đã triển khai thực hiện 21 đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh là 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn…

Nhìn chung, các đề án khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khác, hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư công nghệ, thiết bị mới, sản xuất sản phẩm mới, từng bước nâng cao được năng suất, nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm bớt khó khăn về đào tạo và tuyển dụng lao động; nâng cao năng lực quản lý; quảng bá hình ảnh, tiếp thị, tìm kiếm thị trường…/.