Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả vùng trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) đạt khoảng 266.700 ha, sản lượng quả đạt 1,978 triệu tấn.
Vùng TDMNPB là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm 59,9% diện tích cây ăn quả toàn miền Bắc và là vùng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước về diện tích và sản lượng, chỉ đứng sau vùng ĐBSCL.
Những năm vừa qua, việc phát triển cây ăn quả trong vùng đã góp phần khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả ở một số tỉnh đã liên tục tăng. Hiện nay đã hình thành các vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn ở Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang…
Thị trường tiêu thụ trái cây của vùng TDMNPB thời gian qua được mở rộng rất nhanh, có nhiều thuận lợi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Số lượng, chủng loại, kim ngạch xuất khẩu trái cây hàng năm đều tăng.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng giá trị xuất khẩu rau quả 2021 vẫn tăng cao, đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020.
Trong đó, 10 loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm thanh long, xoài, chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dưa hấu, vải, chanh leo. Riêng, vùng TDMNPB tham gia xuất khẩu chủ yếu các loại quả vải, nhãn, xoài, chuối, mận…
Sơn La - một trong những tỉnh thuộc TDMNPB có diện tích cây ăn quả lớn. Giai đoạn 2015 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được trên 60.000 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn 12 huyện, thành phố, nâng tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trên địa bàn tỉnh Sơn La đến hết tháng 6/2022 ước đạt 82.815 ha.
Trong đó, một số loại cây ăn quả chủ yếu như xoài 19.773 ha, sản lượng 48. 076 tấn; nhãn 19.580 ha, sản lượng 114.861 tấn; chuối 5.750 ha, 50.986 tấn; mận 11.558 ha, sản lượng; chanh leo 982 ha, sản lượng 7.761 tấn; bơ 1.270 ha; na: 358 ha; cây ăn quả có múi 4.957 ha; thanh long 190 ha; sơn tra 12.2265 ha; cây ăn quả khác 6.155 ha.
Đến nay, sản phẩm trái cây của Việt Nam được xuất đi trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có những thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc…
Dịch bệnh hơn 2 năm qua đã khiến các giao dịch thương mại quốc tế bị đứt gãy. Tuy nhiên, với những thị trường ưa chuộng các sản phẩm trái cây Việt, dịch bệnh cũng không làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, vượt qua hàng rào kỹ thuật để "mở cửa" thị trường này là thách thức lớn của trái cây tươi Việt Nam. Quá trình đàm phán để đưa một loại trái cây vào nước này thường kéo dài 5 - 10 năm.
Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 4 loại hoa quả tươi sang Australia gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long. Để trái cây Việt có mặt tại thị trường Australia đã khó, nhưng để khẳng định và định vị được thương hiệu trái cây Việt tại thị trường lớn nhất Châu Đại Dương này lại càng khó hơn.
Tháng 1 năm nay, lần đầu tiên 3 tấn bơ đông lạnh chất lượng cao từ vùng đất Tây Nguyên đã được xuất khẩu sang Australia với giá bán 7 AUD/kg (khoảng 120.000 đồng/kg).
Trước đó, sầu riêng đông lạnh Ri6 của Việt Nam cũng đã gây tiếng vang lớn khi liên tục cháy hàng tại chuỗi siêu thị, cửa hàng tại Australia.
Các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn hay vải đều trở thành mặt hàng được ưa thích tại "xứ sở chuột túi" và có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm cùng loại.
"Cách đây khoảng 2 - 3 năm, sầu riêng Thái Lan bán rất nhiều, nhưng giờ sầu riêng Thái Lan không còn bán được nữa. Người ta ăn sầu riêng Việt Nam gần như là chính. Vì vậy, riêng cửa hàng này đã bán 2 - 3 tấn trong một tuần lễ. Còn thanh long đỏ của Việt Nam thì tiêu thụ rất mạnh. Trong 1 tuần lễ, cửa hàng này tiêu thụ khoảng 2 - 3 tấn, vì thanh long đỏ Việt Nam ngon, giá rẻ, còn thanh long đỏ của Australia giá rất đắt", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ shop Thanh Thiên, Springvale Fresh Market, Australia, cho biết.
Ngay trong tháng 3, hàng chục tấn thanh long Việt Nam đã được nhập khẩu vào thị trường Australia. Hiện tại, nhiều siêu thị của Australia đang bán thanh long Việt Nam với giá khoảng 200.000 đồng/kg.
Mặc dù Australia đang vào mùa thanh long và được bày bán tại các siêu thị, nhưng những đơn vị phân phối tại đây vẫn quyết tâm nhập khẩu thanh long Việt.
"Thương hiệu thanh long Việt Nam được biết đến nhiều hơn nhờ một số doanh nghiệp Việt đã hợp tác với nhà nhập khẩu Australia đóng gói lại sản phẩm. Khi đó sẽ có cả thương hiệu Việt Nam và thương hiệu địa phương của Australia trên sản phẩm trái cây Việt. Như vậy, 2 công ty của 2 quốc gia phối hợp với nhau để dựng thương hiệu cho nhau", ông John Tryfopolous, Giám đốc xuất nhập khẩu đồ tươi Công ty Zaden, Australia, cho hay.
Để trái cây Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng Australia, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam cùng các doanh nghiệp nhập khẩu đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại thiết thực và hiệu quả, như chương trình "Hành trình thưởng thức sầu riêng" bằng ô tô cổ trên đường phố Sydney; sự kiện "giới thiệu và mời dùng thử sản phẩm" hay quảng bá trên mạng xã hội, tổ chức đấu giá trái cây…
"Đầu mùa vải, chúng tôi có chương trình đấu giá vải. 1 kg đầu tiên của năm đạt 3.000 AUD, được lên báo. Những thông tin này gây thiện cảm với khách hàng và họ rất ủng hộ", ông Lý Hoàng Duy, Tổng Giám đốc Công ty 4way Fresh, chia sẻ.
Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định, số lượng trái cây Việt Nam thâm nhập vào "xứ sở chuột túi" sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Trên thực tế, bên cạnh nghiên cứu kỹ thị hiếu người tiêu dùng, việc bảo đảm chất lượng; cải thiện bao bì, mẫu mã là cách giúp trái cây Việt tạo dựng thương hiệu bền vững tại cường quốc nông nghiệp như Australia.
Trái cây nhiệt đới Việt Nam có mặt ở các thị trường khó tính như châu Âu, Australia, Mỹ hay Nhật Bản là một sự thành công lớn, nhưng làm gì để duy trì và giữ vững những thị trường này? Một dẫn chứng từ quả vải tươi. Những năm gần đây, quả vải tươi của Việt Nam liên tục được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Singapore... với giá cao.
Riêng tại Mỹ, dù là thị trường rất hứa hẹn, nhưng hiện đa phần người dân nước này đều không quen thuộc với các loại trái cây nhiệt đới, trong đó có quả vải. Phóng viên Đài THVN thường trú tại Mỹ đã tìm hiểu ý kiến của doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
"Trái cây Việt Nam, chẳng hạn như là quả vải, hầu hết có một ưu điểm là thơm, ngon, đạt được hai đặc tính là mùi, vị. Đây là nhận xét của rất nhiều khách hàng Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam nằm ở vùng địa lý gió mùa nhiệt đới, nóng ẩm, nắng nhiều. Do vậy việc canh tác trồng trọt và bảo quản sau thu hoạch còn gặp không ít khó khăn. Để nâng cao sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam vào thị trường Mỹ cần lưu ý một số điểm. Thứ nhất là phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Thứ hai, phải đảm bảo nghiêm túc các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, xuất xứ, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nhập khẩu. Để có thể cập nhật được các thông tin mới nhất, tránh phát sinh những vướng mắc không cần thiết, có thể trao đổi thông tin qua doanh nghiệp đối tác hoặc qua các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ. Thứ ba là cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam đến rộng rãi khách hàng Mỹ, đặc biệt là với khách hàng gốc Âu, vốn không biết nhiều về trái cây nhiệt đới", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York, Mỹ, đánh giá.
Những gợi ý trên đối với quả vải cũng phù hợp với những loại trái cây khác của Việt Nam, hiện đang được xuất khẩu. Cuộc sống của người nông dân chắc chắn sẽ thay đổi nếu việc xuất khẩu trái cây ổn định và mang lại giá trị cao.