8 loại trái cây Việt Nam đang được đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang khẩn trương phối hợp Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán trao đổi về kỹ thuật, tiến hành xây dựng các nghị định thư đối với 8 loại trái cây truyền thống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó 3 loại trái cây đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm măng cụt, chanh leo, sầu riêng.

8 loại trái cây truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm chưa ký Nghị định thư.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin: "Cục Bảo vệ thực vật đang khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán trao đổi kỹ thuật, tiến hành xây dựng các Nghị định thư đối với 8 loạt quả xuất khẩu truyền thống".

Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc ký kết Nghị định thư về dài lâu đem lại nhiều kết quả rất tích cực vì toàn bộ việc buôn bán sẽ thông qua hợp đồng. Điều đó sẽ giúp ổn định đầu ra, tránh bị thương lái ép giá.

5755-chuyi-1-1658971829.jpg
Sau măng cụt, thanh long, sầu riêng, chuối đang là một trong những mặt hàng được đẩy nhanh tiến độ đàm phán, tiến tới ký kết Nghị định thư. Ảnh: minh họa.

"Để có thể thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc, phải xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Các vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật đều khuyến cáo, đã và đang đẩy mạnh tập huấn cho các địa phương" - đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.

Nhu cầu, sức mua của người dân Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm đang tăng cao. Vì vậy, Trung Quốc dần trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, bình quân chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu ra thế giới của nhóm hàng này, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 8,9%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.

Năm 2021, trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng tích cực, trong đó xuất khẩu rau quả chiếm tới 56% tổng xuất khẩu rau quả của cả nước.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương khuyến cáo, với đà tăng trưởng của kinh tế và cùng với đó là thu nhập dân cư, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, có gì mua nấy mà đã có sự chọn lọc sản phẩm chất lượng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải nằm trong danh mục được Trung Quốc cho phép nhập khẩu, hay nói cách khác là đồng ý mở cửa thị trường. Theo đó, với từng loại trái cây, Cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch trực thuộc Tổng cục Hải quan. Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá rủi ro về vệ sinh dịch tễ, sau đó mới quyết định cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Quá trình này đòi hỏi thời gian và sự hợp tác từ phía cơ quan quản lý của nước xuất khẩu (ở nước ta là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). 

Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao; đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy... đối với hàng hóa nói chung, hàng hóa nhập khẩu nói riêng. Trong khi đó, các hộ sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp thay đổi và thích nghi với những điều chỉnh mới của Trung Quốc, chất lượng chưa đồng đều, công tác bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa đáp ứng tốt các quy định của Trung Quốc về điều kiện xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để cung cấp thông tin chính thống đến với doanh nghiệp có hoạt động giao thương với thị trường này, bên cạnh việc thường xuyên có những khuyến cáo, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã xây dựng và phát hành Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cuốn Cẩm nang này là một hợp phần trong Đề án của Chính phủ về thúc đẩy, chuyển đổi hoạt động xuất khẩu qua biên giới sang hình thức chính ngạch.

Cuốn Cẩm nang hướng tới đối tượng độc giả là các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người sản xuất tham gia vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản nói chung sang thị trường Trung Quốc.

Anh Vân (t/h)