Sáng ngày 12/12, Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024” đã chính thức khai mạc tại Trục đường Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM. Mang đến một không gian trải nghiệm đa sắc màu, đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam. Với chương trình, đây không chỉ dừng lại ở bước giới thiệu những sản phẩm tinh túy, cốt cách hành nghề truyền thống tại địa phương, mà nó còn là cầu nối quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế, thể hiện sự tôn vinh giá trị văn hóa sâu sắc, mang đậm bản chất dân tộc Việt và “chạm tay” với bạn bè quốc tế.
Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) tổ chức, là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của chính quyền TP.HCM đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Chương trình năm nay đã thu hút sự tham gia của hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, quy tụ hơn 200 doanh nghiệp tiêu biểu, mang đến hơn 500 sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP. Đây không chỉ là một con số ấn tượng mà còn thể hiện sự đa dạng và phong phú của văn hóa, kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ Khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của chương trình trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Không dừng lại ở việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, chương trình năm nay còn là tiền đề quan trọng để đưa các sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe toàn cầu. Theo ông, chương trình là một sự kiện thường niên, mang tính chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng, là minh chứng cho sự hợp tác phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh thành, góp phần củng cố liên kết vùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các địa phương.
“Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền 2024” đã mang đến cho du khách một bức tranh toàn cảnh về sự đa dạng văn hóa và kinh tế của Việt Nam. Du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự phong phú của các sản phẩm đặc sắc, từ những món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, mang đậm dấu ấn của từng vùng miền. Có thể kể đến ruốc cá rô đồng OCOP 4 sao từ Ninh Bình, một món ăn quen thuộc của người dân Bắc Bộ hay bánh phồng tôm Nhà Cổ Ba Đức OCOP 4 sao từ Tiền Giang, món quà quê đậm chất miền Tây sông nước. Bên cạnh đó, vải dệt thổ cẩm OCOP 4 sao và miến dong OCOP 3 sao từ Lào Cai mang đến nét văn hóa đặc trưng của vùng cao, bánh ít lá gai OCOP 3 sao từ Bình Định và tiêu hạt OCOP 3 sao từ Bình Phước lại thể hiện nét đặc trưng của miền Trung và Tây Nguyên.
Bắt sóng cùng nhịp đập của chương trình, những làng nghề truyền thống cũng đã được “trình diễn” trước lòng phố đô thị nhộn nhịp. Từ làng nghề mây tre đan huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đến làng nghề dệt chiếu Long Định (Tiền Giang), từ làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre) đến làng nghề dệt đũi Nam Cao (Thái Bình), mỗi làng nghề đều mang một câu chuyện riêng, một nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự tài hoa và khéo léo của người Việt.
Không những thế, các làng nghề đúc rèn ở Lai Châu, tơ tằm, lụa Mã Châu ở Quảng Nam hay làng nghề dệt thổ cẩm và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở Gia Lai cũng mang đến những trải nghiệm thú vị, những khám phá mới mẻ. Đặc biệt, không gian văn hóa của TP.HCM cũng được tái hiện một cách sinh động qua các làng nghề truyền thống như làng nghề đan lát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi); làng se nhang Lê Minh Xuân (Bình Chánh) hay làng trồng mai vàng Bình Lợi (Bình Chánh) và làng muối Lý Nhơn (Cần Giờ), giúp du khách hiểu hơn về lịch sử cũng như đặc trưng văn hóa của vùng đất giàu chất liệu thiên nhiên này.
Bày tỏ lòng hiếu khách, tại chương trình du khách có cơ hội trải nghiệm trao đổi trực tiếp với các Nghệ nhân nơi đây. Xuất phát từ bản chất thật thà, chất phát tận tình của các Nghệ nhân đã tạo nên nguồn cảm hứng lớn, kích thích sự mò tò của du khách khi tham quan gian hàng. Cùng với đó, người Nghệ nhân không ngần ngại chia sẻ những bí quyết, từng công đoạn kể cả những khó khăn liên quan trực tiếp đến sản phẩm. Đặc biệt, những mối “tơ duyên” với nghề, thứ mà có thể giữ chân họ ở lại với nghề lên đến chục năm và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này, tăng thêm gia vị gần gũi đến với di sản văn hoá của từng vùng miền, mở rộng kết nối giao thương, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sản phẩm mà mình muốn hướng đến.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức còn thực hiện hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối hiện đại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh, kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường. Đồng thời, chương trình thể hiện vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững cho các địa phương.
Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền 2024” không chỉ là một sự kiện mang tính kinh tế mà còn là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa lớn, chú trọng cao vào bản sắc dân tộc, những giá trị trường tồn từ con người đến với sản phẩm do con người làm ra. Đặc biệt, sự hội ngộ hàng loạt các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền trên khắp mọi miền đất nước, hiểu sâu sắc hơn chính là thể hiện sự tôn trọng, thuận hoà, cùng nhau làm ra và cùng nhau phát triển của “người một nhà”, nổi bật đức tính con người Việt.
Chương trình diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/12/2024, hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, thoả niềm đam mê khám phá, trải nghiệm những giá trị văn hóa và kinh tế đặc sắc của Việt Nam./.