Để đất nước được phát triển như ngày hôm nay, không thể không kể đến những đóng góp của các đơn vị đã hình thành, vận hành xuyên suốt hơn 100 năm qua. Những bước chuyển mình, những thành tựu vượt bậc của các đơn vị 100 năm tuổi trong các lĩnh vực cũng chính là đại diện cho quá trình phát triển của đất nước. Những giá trị Niên lịch và Thành tựu đó xứng đáng được tôn vinh và lưu giữ theo thời gian.
Trong năm 2022 - 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp cùng Tổ chức Niên lịch và Thành tựu Việt Nam (WowTimes), đơn vị trực thuộc TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam triển khai Hành trình tìm kiếm và vinh danh Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam (Lần I, Năm 2023). Hành trình được triển khai nhằm tìm kiếm, xác lập Niên lịch các đơn vị có lịch sử hình thành và phát triển từ 100 năm trở lên, đồng thời ghi nhận Thành tựu mà các đơn vị đã cống hiến và đạt được xuyên suốt trong quá trình hoạt động.
Trong danh sách công bố Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam (Lần 1, năm 2023), gồm: 30 đơn vị trong lĩnh vực giáo dục; 27 đơn vị trong lĩnh vực Y tế; 23 đơn vị Hành chính sự nghiệp; 20 Doanh nghiệp và Thương hiệu trên 100 tuổi.
Dưới đây là 20 đơn vị trong lĩnh vực Giáo dục được công bố đợt 1 - trong Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam (Lần I/ Năm 2023).
1. Trường Đại học Y Hà Nội (TP. Hà Nội) 121 năm: 1902 - 2023
Trường Đại học Y Hà Nội tiền thân là Trường Y khoa Hà Nội được Toàn quyền Pháp tại Đông Dương thành lập năm 1902, là một trường đại học có bề dày lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng 8, ngày 15/11/1945, Trường Đại học Y Dược khoa của chế độ mới khai giảng dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 121 năm hình thành và phát triển, trường luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế nước nhà và được xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế.
Trường Đại học Y Hà Nội là “cái nôi” của những người sáng lập ra các chuyên ngành Y học hiện đại Việt Nam từ Y học lâm sàng, Y học cơ sở cho đến Y học dự phòng trong dân y cũng như trong quân y. Nhiều giáo sư, cán bộ của nhà trường đã có đóng góp quan trọng xây dựng nền y học nước nhà, làm rạng rỡ nền y học Việt Nam trên thế giới. Ngày nay, trên chặng đường đổi mới, với truyền thống của mình Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò trường trọng điểm quốc gia. Trong các mũi nhọn y học hiện đại của y tế quốc gia, trong các nghiên cứu về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, trong đào tạo nguồn lực cho ngành y tế Việt Nam từ bậc học hàn lâm cho đến nâng cao kỹ năng cho các bác sĩ vùng sâu, vùng xa đều có sự đóng góp của cán bộ nhà trường. Đó là thành tích đáng trân trọng, rất đỗi tự hào của Trường Đại học Y Hà Nội trong suốt hơn một thế kỷ.
Với những cống hiến to lớn cho sự phát triển của ngành y học nước nhà, Trường Đại học Y Hà Nội đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1973), Huân chương Lao động hạng Nhất (1982, 2017), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996), Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000), Huân chương Hồ Chí Minh (2002, 2012), Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (2004), Huân chương Sao vàng (2007).
2. Trường Đại học Điện lực (TP. Hà Nội) 125 năm: 1898 - 2023
Trường Đại học Điện lực (tiền thân là Trường Kỹ nghệ Thực hành) được thành lập năm 1898. Hiện nay, Trường là đơn vị giáo dục đại học công lập đa cấp, đa ngành có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cung cấp cho Ngành điện và phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội. Đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của Ngành.
Nhiều năm qua trường đã nghiên cứu hàng trăm đề tài các cấp như: Cấp Trường, cấp EVN, cấp Bộ Công Thương, cấp Sở Khoa học và Công nghệ, cấp Nhà nước. Các kết quả nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phát triển khoa học và ứng dụng trong thực tế cao. Đại diện cho các sản phẩm nghiên cứu đó là thương phẩm công tơ điện tử, dàn nước nóng năng lượng mặt trời, lưới điện thông minh, máy tạo dòng 4000A, hợp bộ thí nghiệm Vôn-Ampe, máy bắn bóng bàn. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng, các nhà khoa học của trường còn công bố các kết quả đó trong hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển hợp tác đào tạo quốc tế, Nhà trường đã thực hiện các hoạt động hợp tác liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài như Viện Grenoble, Đại học Khoa học và Công nghệ (Pháp), Đại học Deakin, Đại học Curtin, Học viện Chisholm (Úc), Đại học Bách khoa Prague (Séc), Đại học Palermo (Ý), Đại học Fukui, Đại học Nagaoka (Nhật Bản), Đại học Điện lực Thượng Hải (Trung Quốc). Từ khi thành lập đến nay, trường đã góp phần đào tạo nên đội ngũ cán bộ nhân viên chất lượng cho Ngành điện cũng như cho sự phát triển chung của đất nước.
3. Đại học Quốc gia Hà Nội (TP. Hà Nội) 117 năm: 1906 - 2023
Đại học Quốc gia Hà Nội (tiền thân là Đại học Đông Dương) được thành lập theo Quyết định số 1514a ngày 16/5/1906 của Toàn quyền Đông Dương, đặt trụ sở tại số 19 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội (thời Pháp thuộc là phố Boulevard Bobillot).
Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục đại học tiên tiến. Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai 126 chương trình đào tạo đại học và 131 chương trình đào tạo thạc sỹ và 107 chương trình đào tạo tiến sỹ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, giáo dục, ngoại ngữ. Hàng năm, trường đào tạo trên 5.000 cử nhân khoa học, trong đó 13,1% sinh viên tài năng, chất lượng cao, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế; 2.400 thạc sỹ và 200 tiến sỹ.
Với lịch sử hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, khẳng định danh tiếng, xác lập vị trí đại học hàng đầu Việt Nam và ghi danh vào nhóm các trường đại học có vị thế cao trong khu vực và thế giới. Vị trí xếp hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới luôn được duy trì và gia tăng.
Gắn kết sứ mệnh với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bên cạnh hoạt động giáo dục và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã không ngừng nỗ lực thể hiện trách nhiệm quốc gia trong việc tham gia chủ trì, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn lớn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của xã hội, đóng góp hết mình cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
4. Trường Đại học Giao thông Vận tải (TP. Hà Nội) 115 năm: 1908 - 2023
Trường Đại học Giao thông vận tải (tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính) được thành lập năm 1908 và khai giảng lại dưới chính quyền cách mạng ngày 15/11/1945. Hiện tại, trường có 2 cơ sở hoạt động, trụ sở chính tại số 3 phố Cầu Giấy, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội và Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh tại 450-451 đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức.
Trường Đại học Giao thông vận tải thực hiện sứ mạng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo xu thế hội nhập, có trách nhiệm xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải và đất nước.
Với những thành tựu và đóng góp to lớn suốt hơn một thế kỷ qua, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã nhiều lần vinh dự được Nhà nước trao tặng những giải thưởng cao quý như: Huân chương Lao động Hạng Ba (1966 và 1999), Huân chương Lao động Hạng Nhì (1977 và 2004), Huân chương Lao động Hạng Nhất (1982, 1990, 2020), Huân chương Độc lập Hạng Ba (1986), Huân chương Độc lập Hạng Nhì (1995), Huân chương Độc lập Hạng Nhất (2000 và 2015), Huân chương Hồ Chí Minh (2005), Danh hiệu Anh hùng Lao động (2007), Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (2011).
5. Trường Đại học Dược Hà Nội (TP. Hà Nội) 121 năm: 1902 - 2023
Trường Đại học Dược Hà Nội (tiền thân từ Trường thuốc Đông Dương) thành lập ngày 27/2/1902 tại ấp Thái Hà, sau đó chuyển vào trung tâm thành phố 13-15 Lê Thánh Tông ngày nay. Năm 1961, Trường được tách ra từ Trường Đại học Y Dược thành Trường Đại học Dược khoa và nay là Trường Đại học Dược Hà Nội. Với lịch sử đào tạo y dược có truyền thống hơn 100 năm, chất lượng đào tạo dược sĩ đại học của Trường luôn đứng vị trí hàng đầu tại Việt Nam. Nhiều sinh viên được đào tạo dưới ngôi trường này đã trở thành cán bộ lãnh đạo của ngành y tế, của các trường đại học Y - Dược và các Viện, Bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước.
Nghiên cứu khoa học là một thế mạnh của trường, nhiều đề tài khoa học được chuyển giao vào sản xuất cho ra những sản phẩm dược không chỉ nâng cao sức khỏe người dân mà còn mang lại lợi ích kinh tế như: viên nang dầu cá, dầu gấc, artemisinin và artesunat để sản xuất thuốc chống sốt rét trong nước và xuất khẩu phục vụ chương trình phòng chống sốt rét toàn cầu. Trong quá trình tình hình hội nhập và phát triển chung của thế giới, Trường Đại học Dược Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. Trường hiện có quan hệ hợp tác đa phương và song phương với hơn 30 tổ chức và các trường đại học trên thế giới.
Với những thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng, phát triển và phục vụ đất nước, Trường Đại học Dược Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì (2012), Danh hiệu Anh hùng lao động (2011), Huân chương Độc lập hạng Ba (2006), Huân chương Lao động hạng Nhất (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì (1996) và nhiều phẩn thưởng cao quý khác.
6. Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) 110 năm: 1913 - 2023
Dân tộc Việt Nam có truyền thống là một dân tộc giàu óc thẩm mỹ và tiềm năng sáng tạo. Ngay từ khi cai trị và tiếp xúc với nước ta, nhà cầm quyền Pháp đã nhận thấy nghệ nhân nước ta khéo tay và thông minh, thợ thủ công của ta có thể làm được tất cả vật thường dùng với những kiểu mẫu rất đẹp nên đã thành lập một số trường mỹ thuật thực hành (nghệ thuật ứng dụng) ở xứ Nam kỳ vào những năm đầu thế kỷ XX để đáp ứng đòi hỏi của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, năm 1913, Nhà cầm quyền đương thời đã quyết định mở Trường Vẽ Gia Định - tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Có thể nói, sự ra đời của Trường Vẽ Gia Định tuy còn ở trình độ sơ trung cấp nhưng đã góp phần giúp cho việc đào tạo mỹ thuật Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Lần đầu tiên, các học sinh mỹ thuật được tiếp xúc với những tiến bộ về kỹ thuật hội hoạ phương Tây, tiếp cận với nền nghệ thuật hiện đại Pháp và được đào tạo có hệ thống ngang tầm thế giới, điều mà trước đây việc đào tạo mỹ thuật ở nước ta còn ở trong cơ chế truyền nghề, cha truyền con nối không thể nào có được. Trường Vẽ Gia Định đã góp phần hình thành một đội ngũ hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam sau cuộc Thế chiến lần thứ I.
Nhiều nghệ sỹ tài năng nổi tiếng trong nước và ngoài nước xuất thân từ ngôi trường này. Phần lớn thế hệ đầu tiên này đã tham gia Cách mạng tháng Tám, đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cũng như đã góp phần đặt nền tảng cho nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.
7. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (TP. Hà Nội) 125 năm: 1898 - 2023
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có bề dày lịch sử hơn 125 năm xây dựng và phát triển, tiền thân là hai trường: Trường Chuyên nghiệp Hà Nội (thành lập năm 1898) và Trường Chuyên nghiệp Hải Phòng (thành lập năm 1913). Qua nhiều lần sáp nhập, đổi tên, nâng cấp từ trường Trung học Công nghiệp I lên Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Trải qua 125 năm, ở giai đoạn nào, Trường cũng luôn được đánh giá là “cái nôi” đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế hàng đầu của cả nước, nhiều cựu học sinh của Trường đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã đi vào lịch sử như: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Hồng Thái, Lương Khánh Thiện; nhiều cựu học sinh, sinh viên trở thành các cán bộ nòng cốt, nắm giữ các cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương.
Các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên nhà trường luôn tự hào và vinh dự được Bác Hồ 4 lần về thăm trường. Lời căn dặn của Bác đã trở thành “kim chỉ nam” để các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, học sinh, sinh viên Nhà trường nỗ lực, phấn đấu, xây dựng Đại học Công nghiệp Hà Nội không ngừng phát triển, trở thành một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, đào tạo theo định hướng công nghệ ứng dụng.
8. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (120 năm): 1903 - 2023
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (tiền thân là Trường dạy nghề Biên Hòa) được thành lập từ năm 1903. Trong suốt 120 năm qua, Trường đã đào tạo nên một đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao và là những người có phẩm chất và tài năng. Nhiều học sinh, sinh viên các thế hệ đã đạt được thành tích cao trong sáng tác nghệ thuật.
Trong gần 120 năm, Trường luôn có sự thay đổi các ngành đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội theo từng giai đoạn. Song, có ba ngành đào tạo gần như tồn tại trong suốt quá trình phát triển của Trường. Đó là ngành Gốm; ngành Điêu khắc và ngành Đồ họa. Bởi vì ba ngành gắn liền với “truyền thống lịch sử, kế thừa những thành tựu những kinh nghiệm và trí thức của đội ngũ thợ thủ công địa phương”.
Là một trường đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực mỹ thuật thực hành (mỹ thuật ứng dụng), Trường có hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong việc dạy lý thuyết kết hợp với thực hành. Đặc biệt, ngành Đồ họa và Truyền thông đa phương tiện được trang bị hệ thống thiết bị kỹ thuật hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến hiện nay. Trong suốt 120 năm qua, mặc dù quy mô đào tạo của Trường không lớn do tính đặc thù của một trường đào tạo năng khiếu, nhưng trường đã có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ trong chất lượng đào tạo. Với truyền thống giáo dục lâu đời, Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trở thành một trong những cái nôi đào tạo nên nhiều tài năng cho nghệ thuật Việt Nam.
9. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh) 117 năm: 1906 - 2023
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (tiền thân là Trường Cơ khí Á Châu), là một trong những trường dạy nghề đầu tiên ở Nam Bộ, được Toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập ngày 20/2/1906. Trước khi lên tàu L’Amiral Latouche Tréville rời Bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã theo học tại trường 3 tháng.
Từ rất sớm, học sinh trường Cao Thắng đã tham gia vào các phong trào biểu tình, bãi khóa, rải truyền đơn để cùng học sinh ở trường bạn và nhân dân Sài Gòn đưa tang cụ Phan Chu Trinh (1925) và đòi tự do cho cụ Phan Bội Châu (1926), phản đối nhà cầm quyền thuộc địa đã bắt giam vô cớ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1926).
Hiện nay, Trường là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao đẳng, đồng thời là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào giải quyết những vấn đề trong thực tế sản xuất.
Với những thành tựu và công hiến to lớn trong suốt hơn một thế kỷ qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng nhiều lần được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng I (2011), Huân chương Độc lập hạng I (2006), Huân chương Độc lập hạng III (2001), Huân chương Lao động hạng I (1996), Huân chương Chiến công hạng II (1990), Huân chương Lao động hạng III (1985) và nhiều Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân và Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.
10. Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (Thừa Thiên – Huế) 124 năm: 1899 - 2023
Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (tiền thân là Trường Bá Công), thành lập ngày 12/9/1899. Là ngôi trường kỹ thuật được xây dựng theo Chỉ dụ của Vua Thành Thái. Trải qua lịch sử phát triển, Trường có nhiều tên gọi khác nhau và chuyển giao nhiều cấp quản lý. Năm 2005, Trường được nâng cấp đào tạo và đổi thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Tên giao dịch quốc tế là Hue Industrial College (viết tắt: HueIC).
Trường là nơi theo học của nhiều chính khách như: Phó Thủ tướng, Uỷ viên Trung ương Đảng Nguyễn Côn; Bộ trưởng: Nguyễn Hữu Mai, Phan Ngọc Tường; Các tướng lĩnh: Trần Văn Trà, Trần Sâm, Lê Văn Tri, Hoàng Văn Thái, Hồ Tú Nam.
Với công lao đóng góp của Trường qua nhiều thế hệ, Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân chương, phần thưởng cao quý như 02 lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1994 và 2004); Huân chương Lao động hạng Nhì (1994); Huân chương Lao động hạng Ba (1989); Bằng Di tích Lịch sử Văn hoá (1991) và nhiều cờ thưởng luân lưu, Bằng khen của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Công Thương.
11. Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên – Huế) 127 năm: 1896 - 2023
Trường THPT Chuyên Quốc học Huế (thường gọi là Quốc học Huế), thành lập năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái nhà Nguyễn. Trường được xây dựng trên nền Dinh Thủy Sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn) theo kiểu nhà tranh, vách đất. Đến những năm đầu thế kỷ XX, trường được xây dựng lại kiên cố theo lối kiến trúc Pháp cổ nhưng vẫn giữ được nét Á Đông với màu gạch đỏ sậm đặc trưng. Người ta nói, Quốc học Huế mang nét uy nghi trầm mặc nhưng vẫn lãng mạn, nên thơ như chính con người của vùng đất Cố đô.
Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà Nước Việt Nam; nhiều nhà Khoa học, Văn hóa, Giáo dục lỗi lạc trong nước và thế giới đã từng giảng dạy và học tập như: Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Tập, Trần Phú, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Đặng Văn Ngữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Thương, Đào Duy Anh, Trần Hoàn.
Từ ngày thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, học sinh của trường đã dành được hơn 20 Huy chương Olympic quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trường THPT Chuyên Quốc học Huế luôn nổi tiếng bởi kết quả học tập xuất sắc của học sinh và trình độ chuyên môn của giáo viên. Hiện nay, Trường được Nhà nước chọn để xây dựng thành một trong ba trường THPT chất lượng cao của Việt Nam. Ngôi trường Anh hùng được mệnh danh là “lò luyện nhân tài”, cái nôi ươm mầm tri thức, tài năng cách mạng không chỉ cho miền Trung mà còn của cả nước.
12. Trường THPT MARIE CURIE (TP. Hồ Chí Minh) 105 năm: 1918 - 2023
Trường THPT Marie Curie (tọa lạc tại 159, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) thành lập vào năm 1918. Ban đầu, đây là ngôi trường là nơi dành riêng cho các nữ sinh trung học người Pháp và số ít các con em người Việt có xuất thân quyền quý, giàu có ở Sài Gòn. Đến năm 1970, trường bắt đầu tiếp nhận nam sinh theo học. Thuở mới lập nên, các môn học đều được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp và do các giáo viên người Pháp trực tiếp đảm nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, THPT Marie Curie là một trong 3 trường THPT có dạy Pháp văn của TP. Hồ Chí Minh.
Với kiến trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc những năm đầu thế kỷ XX, trải qua nhiều giai đoạn đấu tranh cách mạng sôi nổi của dân tộc, đến nay trường vẫn lưu giữ được nét cổ kính. Năm 2015, trường vinh dự được UBND TP. Hồ Chí Minh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam Thắng cảnh của thành phố. Đây là nơi từng đào tạo nhiều Nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Trên chặng đường hơn một thế kỷ phát triển với chất lượng, thương hiệu đã được khẳng định và những thành tích rất đỗi tự hào, Trường THPT Marie Curie đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Tiêu biểu như Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
13. Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) 115 năm: 1908 - 2023
Trường THPT Chu Văn An (tiền thân là trường Bưởi) được chính quyền Pháp thành lập năm 1908. Trường được xây dựng sớm nhất ở miền Bắc nước ta theo kiểu kiến trúc Pháp. Trong nền giáo dục Việt Nam đây là ngôi trường có bề dày lịch sử đã và đang góp phần đào tạo cho đất nước rất nhiều nhà văn hóa, lịch sử, cách mạng trí sĩ lỗi lạc. Sau 115 năm tồn tại, đến nay trường vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi cổ kính bên hồ Tây lịch sử.
Nhiều giáo viên, học sinh của Trường sau này trở thành các đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước hoặc Văn nghệ sĩ nổi tiếng, như các đồng chí: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Tôn Thất Tùng, nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Phan Chánh, nhà thơ Xuân Diệu, cùng nhiều tướng lĩnh, các nhà khoa học đầu ngành của đất nước. Trong số những học sinh tiêu biểu của Trường Chu Văn An cũng còn phải kể đến Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, bác sỹ Đặng Thùy Trâm và Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, phi công Vũ Xuân Thiều.
Trường Chu Văn An vinh dự được nhiều lần Bác Hồ đến thăm và nói chuyện, lần nào Bác cũng cho thầy trò những lời giáo huấn vô cùng quý báu. Đặc biệt, trong lần về thăm trường ngày 31/12/1958 Bác đã ân cần dạy bảo: “Tương lai đẹp đẽ là của tất cả mọi người. Mọi người phải cố gắng, các cháu phải là chủ nhân tương lai của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”.
14. Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) 144 năm: 1879 - 2023
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (tiền thân là Collège de Mytho) là trường trung học phổ thông tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Thành lập năm 1879, đây là một trong những ngôi trường trung học phổ thông lâu đời nhất của Việt Nam. Ngày 17/03/1879, trường được chính thức thành lập, với tên là Collège de Mytho, năm 1942 đổi tên là Collège Le Myre de Vilers. Từ năm 1953, trường mang tên nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đến nay. Ngôi trường với truyền thống hàng trăm năm này cũng là nơi từng theo học của nhiều nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học nổi tiếng như: Cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, nhà trường còn chú trọng việc đào tạo về nhân cách, đạo đức, tạo điều kiện để phát triển về nhiều lĩnh vực khác nhau cho từng học sinh của trường. Kết quả là trong nhiều năm, trường đã đào tạo ra thế hệ học sinh năng động không chỉ giỏi việc học mà còn nắm chắc các kiến thức đời sống, có nhiều kỹ năng ở nhiều lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, thể thao có thể dễ dàng hoà nhập được với cuộc sống.
15. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Hồ Chí Minh) 110 năm: 1913 - 2023
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được khởi công xây dựng từ năm 1913, từ tâm huyết của những người trí thức yêu nước quan tâm đến vấn đề giáo dục nữ giới, đến nay đã hơn trăm năm tuổi. Bên cạnh những kiến trúc kiểu gô-tích phổ biến ở đầu thế kỉ XX, ngôi trường vẫn ung dung khoác lên mình chiếc áo thanh tân được tô điểm bằng bao đổi thay, phát triển và vươn lên không ngừng qua từng năm tháng.
Từ những năm cuối của thập kỷ trước, trường đã trở thành một trong những đơn vị giáo dục tiên phong đổi mới phương pháp giảng dạy, nổi bật trong đó là áp dụng các phương pháp dạy học tối ưu hiện tại cùng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng. Với sự phát triển công nghệ thông tin trong trường học, năm 2004, trường đã được tập đoàn INTEL (Mỹ) mời tham gia các dự án và phương pháp học tập mới. Tiếp đến, tập đoàn VVOB (Bỉ) và Microsoft tiếp tục đề nghị trường tham gia dự án học tập khác vào các năm kế. Hằng năm, trường đều đón tiếp hai phái đoàn từ các trường Pháp sang thăm, và gửi hai lượt học sinh sang Pháp giao lưu học tập.
Tháng năm đi qua, cùng với sự chuyển mình của ngành Giáo dục, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã không ngừng đổi mới để ngày càng xứng đáng với niềm tin yêu của các thế hệ học sinh.
16. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) 149 năm: 1874 - 2023
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được xây dựng vào năm 1874 do Cha Juhel des Isles De Kerlan - cha đẻ của Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, thành lập bằng kinh phí của chính mình, với tên gọi là La San Taberd. Ban đầu, trường chỉ nhận trẻ mồ côi Châu Âu và Pháp bị bỏ rơi, nhưng sau đó nhận tất cả học sinh không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo. Sự ra đời của trường La San Taberd có liên quan đến sự hình thành và phát triển của nền giáo dục Pháp - Việt miền Nam Việt Nam.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hiện đã trở thành một trong những chiếc nôi đào tạo học sinh giỏi uy tín của Thành phố, được nhiều phụ huynh tin tưởng. Hàng năm, số lượng học sinh được các tổ chức giáo dục trao tặng học bổng đứng nhì thành phố. Bên cạnh sách giáo khoa chính thức của Bộ giáo dục, nhà trường còn sử dụng nhiều tài liệu nâng cao do các giáo viên giàu kinh nghiệm soạn riêng với mục đích bổ sung kiến thức cho học sinh. Với bề dày gần 150 năm xây dựng và phát triển, hiện Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã trở thành ngôi trường mơ ước của bao nhiêu thế hệ học sinh. Và cũng từ đây, đã đào tạo ra những nhân tài góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
17. Trường THPT Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) 103 năm: 1920 – 2023
Trường THPT Ngô Quyền tọa lạc ở trung tâm thành phố Hải Phòng, ngay gần tượng đài Lê Chân và nhà hát Lớn. Đây là công trình lâu đời, được thành lập từ năm 1920 và đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Khuôn viên trường giữ nguyên nét đẹp cổ kính giữa lòng đô thị hiện đại. Ngôi trường còn là một trong 2 nơi đầu tiên hình thành Chi bộ Đoàn TNCS đầu tiên trên cả nước (6/1929). Quá trình xây dựng, trưởng thành của trường Bonnal - Bình Chuẩn - Ngô Quyền luôn gắn bó sâu sắc với lịch sử phát triển của TP. Hải Phòng và đất nước.
Trường THPT Ngô Quyền luôn được coi là “địa chỉ đỏ” của ngành giáo dục Hải Phòng với chất lượng đứng đầu thành phố và góp mặt trong bảng xếp hạng 100 trường THPT chất lượng của toàn quốc.
Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển, trường đã vinh dự được trao tặng: Huân Chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao Động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen- Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục- Đào tạo, Trung ương Đoàn, UBND thành phố Hải Phòng, nhiều giấy khen của Sở Giáo dục đào tạo Hải Phòng.
18. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) 103 năm: 1920 - 2023
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (tiền thân là trường Thành Chung Nam Định), là trường THPT chuyên hệ công lập của tỉnh Nam Định, ra đời theo nghị định số 2455 do Toàn quyền Đông Dương Poul Doumer ký ngày 24/8/1920.
Sự ra đời và phát triển trường gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của nước ta. Đây là trường trung học phổ thông hệ công lập hàng đầu của tỉnh Nam Định. Trường được thành lập từ những năm đầu kháng chiến, gắn liền với chiến tranh giải phóng dân tộc.
Suốt chiều dài lịch sử của mình, trường Thành Chung mà nay là Lê Hồng Phong Nam Định đã góp phần đào tạo nên rất nhiều nhân tài cho đất nước. Phải kể đến như: Nguyên Tổng bí thư Trường Chinh, Nguyên phó Thủ tướng Chính phủ Đặng Việt Châu, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, nhà ngoại giao nổi tiếng Lê Đức Thọ.
Trải qua những khó khăn từ thời kỳ đất nước chiến tranh đến những bước chuyển mình ngoạn mục của nước nhà về kinh tế, giáo dục, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) vẫn vững vàng trên bước đường dìu dắt các thế hệ học trò.
19. Trường THPT Lê Qúy Đôn (TP. Hồ Chí Minh) 149 năm: 1874 - 2023
Trường THPT Lê Quý Đôn tọa lạc tại Quận 3, TP. Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1874 và hoàn thành vào năm 1877 với tên gọi đầu tiên là Trung học Bản xứ. Ngày nay, trường THPT Lê Quý Đôn là một trong những trường THPT có điểm số đầu vào và đầu ra cao nhất TP. Hồ Chí Minh, có học sinh đạt nhiều giải thưởng lớn tại các kỳ thi học sinh giỏi trong và ngoài nước. Ngôi trường này được ví như “lò luyện nhân tài”, đào tạo nên những tên tuổi lớn của Việt Nam.
Với những thành tựu và đóng góp to lớn trong hoạt động giáo dục của nước nhà, Trường THPT Lê Quý Đôn đã nhiều lần được trao tặng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động Thanh niên, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: đơn vị tiên tiến xuất sắc nhiều năm liền.
20. Trường THPT Hai Bà Trưng (Thừa Thiên – Huế) 106 năm: 1917 - 2023
Trường THPT Hai Bà Trưng là một trong những ngôi trường lớn ở miền Trung và trên toàn quốc, được thành lập ngày 15/7/1917.
Trong suốt khoảng thời gian từ khi thành lập đến 1975, đây là ngôi trường nữ duy nhất ở miền Trung dạy đủ các môn: Văn, thể, mỹ và lao động kỹ thuật. Ngoài việc học văn hóa và nữ công gia chánh (may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt...), nữ sinh Đồng Khánh còn được học cách nuôi con, cách quản lý gia đình, được rèn luyện phong cách người con gái có học thức, có giáo dục, giản dị, trang nhã, lịch sự, khiêm tốn, tế nhị trong giao tiếp và một số môn học cơ bản về cứu thương.
Hơn một thế kỷ qua, với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, các thế hệ thầy và trò trường THPT Hai Bà Trưng đã thực hiện tốt việc dạy và học, góp phần đào tạo nhiều nhân sĩ trí thức, công dân có ích cho đất nước. Bên cạnh đó, ngôi trường này cũng nổi tiếng một thời về giáo dục truyền thống công dung ngôn hạnh, nữ công gia chánh, góp vào di sản văn hóa Huế vẻ đẹp thường được mọi người gọi tên là “nữ sinh Đồng Khánh”.