Tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên năm 2023

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động vì Động vật Hoang dã Việt Nam - WildAct tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên về Bảo tồn thiên nhiên 2023 (SCNC 2023). Hội nghị đã thu hút gần 100 sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà bảo tồn trẻ tham gia kết nối và mở rộng cơ hội phát triển với các chuyên gia và các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam, đồng thời trao thưởng cho các nghiên cứu xuất sắc đóng góp vào công tác bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.

Hội nghị khoa học sinh viên về SCNC 2023 đã thu hút gần 40 nghiên cứu đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau quá trình xét duyệt, tổng cộng 14 đề tài được lựa chọn, gồm: 6 đề tài diễn thuyết và 8 đề tài trình bày poster nằm trong khuôn khổ 5 chủ đề nóng và đáng chú ý về bảo tồn tại Việt Nam: Ứng dụng khoa học xã hội (ý thức cộng đồng, thay đổi hành vi, truyền thông xã hội,...); Ứng dụng khoa học công nghệ; Giám sát đa dạng sinh học (điều tra sinh thái, quần thể sinh vật,...); Phòng chống buôn bán ĐVHD trái phép (khảo sát thị trường, thói quen tiêu thụ, áp dụng luật,...); Bệnh dịch truyền từ động vật sang người.

1-1690631214.JPG
Quang cảnh hội nghị

Hội đồng ban giám khảo gồm các chuyên gia đầu ngành đến từ: Viện Tài Nguyên và Môi Trường - Đại học Quốc gia Hà Nội (CRES), Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam (FZS), Tổ chức Động Thực Vật - Chương trình Việt Nam (Fauna & Flora) và Trung tâm Hành Động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) trao cho các nghiên cứu thuộc hạng mục Diễn thuyết: Giải Nhất: Trần Thị Phương - Đề tài “Ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh SAR (Sentinel-1A) để xây dựng bản đồ biến động diện tích rừng giai đoạn 2020-2023 tại khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì"; Giải Nhì: Nguyễn Tiến Phong - Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng quần thể Chà vá chân nâu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Đà Nẵng”; Giải Ba: Lý Thành Nhân - Đề tài “Nuôi dưỡng, bảo quản và xử lý vật chứng là ĐVHD trong các vụ án hình sự theo pháp luật Việt Nam”.

2-1690631266.jpeg
SCNC 2023 còn là dịp để các bạn trẻ kết nối, tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp tại gian hàng triển lãm của các tổ chức hàng đầu trong ngành bảo tồn

Trao giải hạng mục Poster cho các nghiên cứu: Giải Nhất: Trần Trọng Ngân - Đề tài “Nguồn gốc và sự di cư của cá Bông lau Pangasius krempfi trên sông Mekong”; Giải Nhì: Lê Thị Hà - Đề tài “Khảo sát nhận thức của dân cư vùng đệm với công tác bảo tồn các loài mang tại VQG Chư Yang Sin”; Giải Ba: Lại Toàn Thắng - Đề tài “Đậu mùa khỉ và các nguy cơ từ bệnh truyền lây giữa khỉ và người”; Và một số giải bình chọn khác.

4-1690631250.jpg
Hội nghị thu hút đông đảo các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học lớn trong nước cùng góp phần “Chung tay hành động vì động thực vật hoang dã tại Việt Nam.

Qua hội nghị, các nghiên cứu sinh, nhà bảo tồn trẻ sẽ có cơ hội tìm hiểu về các chương trình bảo tồn tại Việt Nam cũng như mở ra các cơ hội nghề nghiệp, mở rộng kiến thức, tạo mạng lưới kết nối vững chắc giữa các nhà bảo tồn trẻ nói riêng và ngành bảo tồn nói chung. Bên cạnh đó, mang đến cảm hứng và động lực cho những thế hệ trẻ tự tin và sáng tạo, cùng góp phần “Chung tay hành động vì động thực vật hoang dã tại Việt Nam.”/.

Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct Vietnam) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam và được thành lập vào năm 2015. Sứ mệnh của WildAct là truyền cảm hứng, thúc đẩy và trao quyền cho cộng đồng và các cá nhân tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo tồn loài và sinh cảnh đang bị đe dọa dựa trên cơ sở khoa học. Từ đó, cùng kiến tạo một hành tinh bền vững, nơi con người và thiên nhiên cùng chung sống hài hoà và bình đẳng.
Anh Thư- Hoàng Diệp