Tỉnh Quảng Trị đang phát triển kinh tế nhờ sử dụng điện gió

Quảng Trị hiện có 31 dự án điện gió đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.177,2 MW, có 19 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 714 MW với 671,1 MW đã đưa vào vận hành thương mại.
a2-1697464379.jpg
Cánh đồng điện gió miền Tây Quảng Trị.

Miền Tây Quảng Trị là vùng giàu tiềm năng phát triển điện gió, do đó trong những năm gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực phát triển năng lượng, điển hình như: Tập đoàn T&T, Tân Hoàn Cầu, EGATi, Gazprom, Gelex… Địa bàn tập trung nhiều nhất là huyện Hướng Hóa với các dự án tại xã Hướng Linh (10 dự án), Hướng Phùng (3 dự án)...

Các nhà đầu tư đã mở trên 80 km đường giao thông để phục vụ thi công dự án, với tổng số tiền trên 800 tỉ đồng. Sau khi dự án thực hiện xong, những con đường này sẽ được giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, cứu hộ cứu nạn. Người dân trong vùng có dự án đã nhận trên 500 tỉ đồng tiền bồi thường GPMB, đào tạo nghề cho những hộ bị mất đất sản xuất. Nhiều nơi bộ mặt kinh tế thay đổi, trước đây kinh tế chủ yếu nhờ vào rừng thì nay nhiều gia đình chuyển sang buôn bán, mở cửa hàng kinh doanh, làm du lịch. Nhiều người dân huyện Hướng Hóa tỏ ra phấn khởi từ khi thực hiện các dự án điện gió đường được mở tận đến các bản làng, ô tô vào đến từng nhà, nhờ vậy vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Điện gió đã làm cho bộ mặt Hướng Hóa thay đổi khá nhanh, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm dần.

Từ khi các dự án điện gió đi vào hoạt động, khách du lịch đến Hướng Hóa tăng, nhiều nơi trở thành điểm check-in của du khách khắp cả nước, như: Hồ “Tuyệt tình cốc” (Hướng Linh) thành điểm du lịch nghỉ dưỡng; đỉnh Cu Vơ (Hướng Linh) thành điểm săn mây cho những người yêu thích thiên nhiên; những "cánh đồng điện gió” ở Hướng Tân, Hướng Phùng, Tân Liên, Tân Hợp là nơi chụp ảnh cưới cho nhiều đôi... Nhiều đoàn khách kết hợp tìm hiểu “cánh đồng điện gió” với thăm nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, cửa khẩu Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh... những địa danh nổi tiếng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Tỉnh Quảng Trị đã biến cái bất lợi thành cái có lợi thành nguồn điện phục kinh tế, dân sinh. Một thực tế, các dự án điện gió ở Quảng Trị mới đi vào hoạt động nhưng hiệu quả rất rõ đối với phát triển kinh tế địa phương. Lãnh đạo tỉnh khẳng định, thu hút đầu tư để phát triển điện gió là một chủ trương đúng, mang lại hiệu quả kinh tế đóng góp vào nguồn thu của địa phương. Phát triển điện gió cũng ít tác động đến môi trường, với 1 MW điện gió chỉ sử dụng 0,65 ha đất, trong đó có 0,35 ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3 ha là tạm thời.

Theo đó, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 148 ha rừng (không có diện tích rừng tự nhiên) để lấy đất làm các dự án điện gió. Trong 1.800 ha tỉnh quy hoạch để đầu tư năng lượng, thì có 439 ha giành cho các dự án điện gió.

Song song với đầu tư thực hiện các dự án điện gió, tỉnh Quảng Trị cũng đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, tổ chức hội thảo đánh giá tác động của điện gió đối với môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế- xã hội. Các ý kiến góp ý đã giúp tỉnh Quảng Trị bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch hợp lý, khắc phục những mặt còn tồn tại.

Thành công bước đầu trong phát triển điện gió ở Quảng Trị là nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích chiến lược phát triển điện gió, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, nhà đầu tư và người dân. Vừa qua, tỉnh đã ra quyết định điều chỉnh đầu tư nhiều dự án. Điển hình như Quyết định 1367 điều chỉnh lần 2 đối với dự án Nhà máy điện gió Tân Hợp, chấp thuận Công ty cổ phần điện gió Thành An là nhà đầu tư. Dự án Nhà máy điện gió Tân Hợp được điều chỉnh lại thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật từ tháng 6/2023, đến tháng 9/2023 thi công xây dựng và lắp đặt tuabin, thi công xây dựng đường truyền tải nội bộ từ 10/2023 đến tháng 7/2025. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3, Hướng Linh 4...

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 58 dự án điện gió với tổng công suất 3.100 MW, đã trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch. Có 10 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 3.190 MW. Tỉnh Quảng Trị kiên quyết không chấp nhận các dự án đầu tư điện gió ở rừng tự nhiên và rừng đặc dụng, đầu tư dự án điện gió ở miền núi nhưng phải đảm bảo độ che phủ.

Tỉnh có chiều dài trên 75 km đường bờ biển, tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65 m. Do đó, Quảng Trị có lợi thế về điện gió trên biển. Hiện nay, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đã đề xuất đầu tư và xin bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ năm 2021-2030, vị trí dự án cách bờ biển Mỹ Thủy (Hải Lăng) khoảng 8 km, quy mô 1.000 MW.

Quảng Trị được Chính phủ đồng ý quy hoạch là trung tâm năng lượng của miền Trung, phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển năng lượng tái tạo đạt khoảng 6.500 MW, đến năm 2030 hơn khoảng 8.000 MW, và sau năm 2030 hơn 10.000 MW.

Lê Thìn