Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, tăng 9,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 30,5 tỷ USD, tăng 28,85% so với cùng kỳ năm 2023.
Về đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 3/2024, vốn đầu tư trực tiếp lũy kế của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 27,64 tỷ USD với tổng số 4.418 dự án đầu tư.
Đều là những nền kinh tế mở với nhiều thành tựu nổi trội đạt được trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển và có xu hướng gia tăng về quy mô cũng như tính chất phức tạp của các giao dịch. Theo đó, để góp phần thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh, phương thức trọng tài thương mại ngày càng được ưa chuộng và ưu tiên sử dụng trong giải quyết các tranh chấp phát sinh như một trong những tiêu chí quan trọng đảm bảo thực thi hợp đồng.
Nhằm mở ra diễn đàn thảo luận về bối cảnh thương mại đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, đồng thời đánh giá các tác động của phương thức trọng tài quốc tế đối với với hoạt động đầu tư và thương mại xuyên biên giới giữa hai nước, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Trọng tài quốc tế: Thuận lợi hóa Thương mại và Đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam”.
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ mặc dù thế giới đã và đang có nhiều biến động nhất là từ năm 2018 cho tới nay nhưng Trung Quốc và Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong nhiều hoạt động thương mại và đầu tư song phương. “Để hỗ trợ cho thương mại và đầu tư song phương bền vững thì cần chú trọng tới việc hỗ trợ và hướng dẫn các Doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động phòng ngừa, quản lý rủi ro hợp đồng, xử lý hiệu quả các tranh chấp trong các giao dịch thương mại và các hoạt động đầu tư để thúc đẩy các giao thương và đầu tư giữa hai phía; và trọng tài thương mại quốc tế đã được công nhận rộng rãi trên thế giới là một phương thức hữu hiệu giúp giải quyết các giao dịch xuyên biên giới”.
Trọng tài thương mại quốc tế là một cơ chế tư, lập nên bởi chính các DN, các nhà đầu tư để phục vụ các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch có bản chất hợp đồng. Trọng tài quốc tế có vai trò trung lập, thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại không cần thông qua các thủ tục dân sự tại các tòa án quốc gia, thủ tục trọng tài thương mại có tính chất bảo mật, hiệu quả về thời gian và chi phí; có khả năng thi hành toàn cầu theo cơ chế của Công ước New York 1958.
Tại VIAC, giai đoạn từ 1993-2023 đã thụ lý 2.940 vụ tranh chấp với tổng trị giá tranh chấp là hơn 2,7 tỷ USD, trong đó, năm 2023 nhiều nhất với 427 vụ. Xét về lĩnh vực trong giai đoạn này, 40,7% vụ việc là liên quan đến mua bán hàng hoá, hơn 18% vụ việc liên quan đến xây dựng, năng lượng, cơ sở hạ tầng… Hơn nữa, gần 31,5% vụ việc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp FDI, hơn 22,4% vụ việc là tranh chấp quốc tế.
Còn tại CIETAC, 5 năm qua, CIETAC đã thụ lý hơn 3.200 vụ việc liên quan đến tranh chấp nước ngoài với số tiền tranh chấp lên tới hơn 220 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 30 tỷ USD), bao trùm tất cả 10 quốc gia thành viên RCEP, trong đó có 16 vụ kiện trọng tài liên quan đến Việt Nam với số tiền tranh chấp khoảng 200 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 27,6 triệu USD).
Đại diện Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Trung Quốc (CIETAC), ông Wang Chengjie – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký chia sẻ về một số quan điểm từ những thực tiễn giải quyết tranh chấp của CIETAC. Trước hết, ông nhấn mạnh về quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam cũng cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Trong hoạt động kinh tế, thương mại bên cạnh những hoạt động giao thương thường sẽ đi kèm với tranh chấp. Đặc biệt trong hợp tác kinh tế, thương mại xuyên biên giới việc xảy ra tranh chấp lại càng dễ xảy ra hơn do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ. Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ về những tình huống rủi ro trong các vụ tranh chấp tại CIETAC cũng như trình bày về những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Cuối cùng, ông bày tỏ mong muốn hợp tác với VIAC nhiều hơn nữa trong tương lai để có thể đóng góp cho nền kinh tế và xã hội cũng như đóng góp cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhiều báo cáo về kinh tế đã chỉ ra dư địa hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc còn rất lớn. Việt Nam còn nhiều cơ hội khai thác thị trường rộng lớn của Trung Quốc, nhất là xuất khẩu nông sản. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm năng mở rộng và đầu tư dài hạn tại Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, khai khoáng, năng lượng mới...
Những lưu ý nhằm phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả:
1) Tìm hiểu kỹ quy định pháp luật liên quan của nước nơi thực hiện các hoạt động thương mại, đầu tư;
2) Tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến đối tác trước khi giao kết hợp đồng, tiến hành hợp tác đầu tư; Thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin kinh doanh, đầu tư;
3) Rà soát, nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan trong quá trình soạn thảo, giao kết và thực hiện hợp đồng (đặc biệt: xác định/ lựa chọn luật điều chỉnh đối với hợp đồng, hoạt động đầu tư; tính hợp pháp của hợp đồng/mô hình đầu tư; các vấn đề liên quan đến hình thức, thủ tục đầu tư, vấn đề về thanh toán; cơ chế giải quyết tranh chấp);
4) Cân nhắc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý;
5) Cân nhắc việc xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết tranh chấp (ví dụ, ban phân xử tranh chấp (DAB) trong các HĐXD), lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp;
6) Thiện chí, hợp tác trong việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải;
7) Lên kế hoạch, chiến lược hành động rõ ràng và kịp thời khi xảy ra tranh chấp để tránh bị động.