Tỉnh Nghệ An trồng được hơn 33 triệu cây xanh chỉ trong 3 năm

Thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, tỉnh Nghệ An đã trồng được 33.146.950 cây xanh chỉ sau 3 năm thực hiện.
1-1632126654784193514458-1696597679.jpg
Lãnh đạo Hội Nông dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng Nghệ An trồng cây Mắc ca đầu tiên tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương.

Để thực hiện Đề án một cách có hiệu quả và thiết thực nhất, các tổ chức, đơn vị được giao chỉ tiêu đã có những cách làm hay, mô hình sáng tạo như: Đoàn thanh niên các cấp tổ chức nhiều phong trào trồng cây xanh; đặc biệt Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào “Hàng cây nông dân ơn Bác”. Kết quả trong hơn hai năm triển khai thực hiện, các cấp Hội Nông dân trên toàn tỉnh đã xây dựng được 1.579 hàng cây nông dân ơn Bác và 96 vườn cây nông dân ơn Bác với tổng số cây đã trồng là 136.145 cây xanh các loại. Nguồn kinh phí đã huy động để thực hiện phong trào trên là 10 tỷ đồng (chủ yếu là huy động từ sự ủng hộ của các hội viên và của các tổ chức, doanh nghiệp).

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã huy động được tổng nguồn kinh phí để thực hiện trồng cây xanh theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh” là 296.102,80 triệu đồng; ước trồng được 33.146.950 cây xanh, đạt 61,10% kế hoạch đề ra (kế hoạch thực hiện Đề án là 54.250.000 cây xanh). Trong đó, có 9.285.950 cây xanh trồng tập trung tương ứng với diện tích 5.700 ha rừng được trồng mới; 23.861.000 cây xanh trồng phân tán (bao gồm 2.700.000 cây xanh được trồng trong khu vực đô thị và 21.161.000 cây xanh được trồng trong khu vực nông thôn).

Để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2024 - 2025, Nghệ An phấn đấu trồng thêm 23.575.000 cây xanh, trong đó có 5.155.000 cây xanh trồng tập trung tương ứng với diện tích trồng rừng mới là 3.222 ha; 18.420.000 cây xanh trồng phân tán (trong đó, trong khu vực đô thị là 1.840.000 cây xanh và số lượng cây xanh trồng phân tán trong khu vực nông thôn là 16.580.000 cây xanh).

Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch đó, các cấp, ngành, đoàn thể và người dân cần hết sức cố gắng trong công tác triển khai thực hiện. Khó khăn lớn nhất là về nguồn lực để thực hiện Đề án khi mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc thực hiện cho đối tượng trồng cây xanh tập trung (trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất) rất khó để triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra. Đối tượng đất đảm bảo tiêu chí, điều kiện để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh phần lớn tập trung tại các khu vực vùng núi phía Tây, vùng có khí hậu khắc nghiệt; vùng xa dân cư, địa hình dốc… rất khó để trồng rừng, đòi hỏi kinh phí đầu tư cao trên một đơn vị ha trồng rừng. Trong khi đó, định mức hỗ trợ của nhà nước thấp, nguồn lực kinh phí đầu tư hạn chế nên công tác trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và trồng mới rừng sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Quốc Cường