Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm nay sẽ đạt 43 triệu tấn, với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn.
Trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong niên vụ 2023-2024 sản lượng gạo toàn cầu đạt gần 518 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ là 525 triệu tấn và lượng gạo sẽ thiếu hụt trong năm 2024 sẽ là 7 triệu tấn. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Đảm bảo xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Ngành chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch lúa vụ Hè thu tại các tỉnh phía Nam; các tỉnh phía Bắc tập trung chăm sóc lúa Đông xuân, đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, biến đổi khí hậu với thời tiết không thuận lợi, nguồn cung còn hạn chế trong khi nhiều quốc gia tăng nhập khẩu gạo để dự trữ.
Bên cạnh đó, việc một số quốc gia tiếp tục chính sách cấm, hạn chế xuất khẩu cùng với nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới vẫn tiếp diễn, khiến thị trường gạo trên thế giới tiếp tục sôi động trong thời gian tới, đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
“Những tháng đầu năm chủ yếu là thúc đẩy sản xuất, nhưng chúng ta vẫn giữ đà tăng trưởng đó là tín hiệu vui để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng của ngành theo mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Về sản lượng lúa, đã đạt 3,2 triệu tấn, tuy có giảm nhưng năm nay sẽ duy trì 7,1 triệu ha đất lúa, với sản lượng 43 triệu tấn, gần bằng mục tiêu năm 2023, cố gắng duy trì sản lượng xuất khẩu 8 triệu tấn gạo” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng với các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Đồng thời, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải duy trì điều kiện kinh kinh doanh xuất khẩu gạo; nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP./.