Xuất khẩu gạo trong năm 2024: Cơ hội song hành cùng thách thức

Nhằm tìm ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo, sáng 29/2, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 02/2024 với chủ đề: "Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường Gạo năm 2024".
giao-ban-1709195490.jpg
Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 02/2024 với chủ đề: "Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường Gạo năm 2024". Ảnh Hương Lan

Tại Hội nghị, Báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.

Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.

Năm 2024, trong bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Ước tính sơ bộ đến hết tháng 01 năm 2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512 nghìn tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng, cụ thể, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo, cùng với đó, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Như vậy, cơ hội là rất lớn cho ngành và doanh nghiệp Viêt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức.

giao-ban1-1709195490.jpg
Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 02/2024 được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh Hương Lan

Phân tích kỹ hơn về thách thức, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước xu hướng các nước đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại, an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thương hiệu... để tận dụng được các cơ hội DN cần phải bảo đảm tất cả các yêu cầu về mặt pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo không trùng lắp, xung đột với một nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký.

Trên thực tế, khá nhiều nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản được đăng ký thành công và theo đó được pháp luật bảo hộ trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm nhãn hiệu như làm giả, làm nhái hàng nông sản tương tự. Tuy nhiên, sau đó công tác đầu tư phát triển những nhãn hiệu đó thành thương hiệu làm chưa tốt, chưa đầy đủ do thiếu hụt về các nguồn lực, nhân lực dẫn đến việc quảng bá, truyền thông nhiều thương hiệu chưa rõ ràng, đầy đủ đến người tiêu dùng và các kênh phân phối, bán buôn, bán lẻ.

Do đó, ông Hòa cho rằng, cần nghiêm túc xem xét lại việc các chủ sở hữu nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đúng và đầy đủ quy trình chưa. Và quan trong nhất là công tác đầu tư phát triển các nhãn hiệu đó thành thương hiệu nông sản uy tín, nổi tiếng trong tâm trí người tiêu dùng cũng như tại các kênh phân phối, thương mại.

Đề xuất giải pháp trong việc xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Hòa cho rằng, nên ưu tiên phương án giao một đơn vị sự nghiệp để quản lý sử dụng Nhãn hiệu Gạo, bởi không thể giao cho các đơn vị hành chính thuộc Bộ do phát sinh tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ. Thay vào đó, Bộ cần giao cho đơn vị sự nghiệp để có thể triển khai chứng nhận chất lượng, chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 3 TCVN là gạo trắng, gạo thơm trắng, gạo nếp trắng) để cấp đăng ký sử dụng Nhãn hiệu Gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, để có thể giữ vững thị phần gạo Việt trên thị trường thế giới, Thương vụ Việt Nam tại Philippines kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.

Đồng thời, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.

Cùng với đó, tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các mặt hàng sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững./.

Đông Nghi