Theo ghi nhận, giá sầu riêng Ri6, Monthong thu hoạch tại vườn ở tỉnh hiện dao động từ 48.000 - 55.000 đồng/kg. Ông Dương Văn Đây đang thu hoạch 2,7 ha sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, do vụ này thuận, đầu tư ít vốn, và tỷ lệ đậu trái cao nên sản lượng đạt khoảng 20 tấn, nên suy ra mùa này cũng lãi khá.
Ông Đây chia sẻ: "Bây giờ tôi đang cắt trái Ri6, ít bữa cắt Mongthon rồi đến giống chuồng bò. Giá 55.000 đồng/kg (xô), giá này ngon rồi, lãi nhiều đó vì chi phí trồng chỉ 15%, lãi khoảng 20.000 đồng/kg. Giá có giảm so với trước đây, nhưng vẫn có lãi. Thông thường nếu giá 40.000 đồng/kg trở lên nhà vườn sống khỏe rồi”.
Ông Lương Văn Hận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Quý (xã Phú Quý, TX. Cai Lậy) cho biết, hiện hợp tác xã đã được cấp 1 mã số vùng trồng với diện tích 144 ha. Thời điểm này, giá sầu riêng giảm còn dao động từ 52.000 - 55.000 đồng/kg (tùy theo giống). Với mức giá này, nông dân trồng sầu riêng lợi nhuận khoảng 20.000 đồng/kg.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) Đặng Văn Lâm, hiện toàn xã có khoảng 1.500 ha sầu riêng. Tại xã, giá sầu riêng Ri6 loại đẹp được các thương lái thu mua với giá khoảng 53.000 - 54.000 đồng/kg, riêng sầu riêng Monthong thì chưa có hàng. Mức giá này giảm nhiều so với những tháng trước. Tuy nhiên, dù giá giảm nhưng người trồng sầu riêng vẫn có lời khoảng gấp đôi.
Trên thực tế, thời gian gần đây, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước tăng mạnh, dẫn đến nguồn cung tăng cao. Ở thời điểm này, thị trường thu mua trái sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang rất sôi động. Các nhà vựa hợp đồng với doanh nghiệp từ Trung quốc thu mua trái sầu riêng. Đầu ra trái cây này rất thuận lợi, hút hàng, nhà vườn cân trái xong đều nhận tiền mặt.
Ông Trình Văn Sỹ, chủ vựa thu mua trái sầu riêng giao cho thương lái Trung Quốc cho biết: "Giá đóng gói được 70.000 đồng/kg còn mua tại nhà vườn chỉ giá chỉ có 51.000 - 52.000 đồng/kg. Vào vụ rồi, mấy bữa nay một ngày đêm tôi đóng 50-60 tấn trái, lái Trung Quốc vào tận đây đưa tiền mình làm hợp đồng đi mua. Mua về mình đóng gói, đưa lên xe thì tính tiền, khỏi phải đi đâu hết. Đầu ra vô tư, tôi không lo vì gom hàng không đủ xuất đi".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, diện tích cây sầu riêng của tỉnh gần 19.500 ha, tập trung nhiều ở huyện Cai Lậy, Cái Bè, Thị xã Cai Lậy. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 135 ha sầu riêng được trồng mới. Trong số này, diện tích vườn cây sầu riêng đang cho thu hoạch khoảng 12.600 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 355.000 tấn/năm. Chủ trương của tỉnh Tiền Giang là không phát triển cây sầu riêng ồ ạt nhất là ngoài vùng quy hoạch, vùng ngập lũ. Đối với các vườn cây hiện có thì nâng chất lượng; trồng theo các tiêu chuẩn GAP.
Ông Đặng Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) địa phương có vườn cây sầu riêng chuyên canh lớn của tỉnh cho biết: "Diện tích trồng cây sầu riêng trên địa bàn xã chiếm tới 1.500 ha. Bây giờ nếu cây suy kiệt thì cải tạo, trồng tới hoài. Bây giờ chuyển trồng cây sầu riêng hết rồi, xã Tam Bình đâu còn trồng các loại cây khác, nếu có cây khác là xen canh với sầu riêng. Bây giờ chúng tôi đang triển khai theo quy trình Viet Gap, cấp mã số vùng trồng. Thị trường bán sang Trung Quốc là chủ yếu chứ các thị trường khác đâu có bao nhiêu đâu”.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (tỉnh Tiền Giang) cho biết, nguyên nhân giá sầu riêng giảm trong thời gian qua là do hiện nay khắp nơi đều có. “Không chỉ Tiền Giang mà hiện nay sầu riêng đang vào vụ và các tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… đều có. Thậm chí một số nước cũng đã vào vụ sầu riêng và đang cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam” - ông Lộc thông tin.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng của tỉnh khoảng 19.415 ha. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 135 ha sầu riêng được trồng mới (chủ yếu từ đất lúa và cây trồng kém hiệu quả chuyển sang), nâng diện tích sầu riêng hiện có 19.550 ha. Diện tích cho thu hoạch khoảng 12.692 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 355.000 tấn/năm.
Sầu riêng là một trong 11 loại trái cây đặc sản chủ lực của tỉnh Tiền Giang, xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc. Trái cây này cũng đang chịu áp lực canh tranh khi diện tích tăng nhanh, vấn đề cần quan tâm là phải thực hiện khâu liên kết sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản gắn với việc cấp mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói... đạt tiêu chuẩn xuất khẩu./.