Tiền Giang chủ động nguồn nước tưới ứng phó với hạn, mặn

Theo Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022, nông dân các huyện, thị trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh Tiền Giang xuống giống được gần 22.000 ha; trong đó, nhiều nhất là huyện Gò Công Đông gần 9.000 ha, Gò Công Tây 8.300 ha…

Đề đảm bảo vụ sản xuất mới bù đắp lại những thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, đơn vị đã chủ động rà soát mạng lưới cống, đập và đê bao toàn vùng dự án gắn với triển khai kế hoạch vận hành các công trình thủy lợi hợp lý bảo đảm nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất vừa nâng cao hiệu quả phòng, chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Ngay từ đầu vụ, đơn vị kết hợp cùng các địa phương trong vùng dự án tiến hành rà soát thực trạng hệ thống công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng, dọn lục bình và cỏ rác trên lòng kênh trục, kênh nhánh…nhằm khai thông dòng chảy vừa tăng khả tăng trữ ngọt, chuyển tải nước ngọt đưa về các địa bàn trọng điểm, phục vụ sản xuất khi bước vào cao điểm mùa khô hạn 2022 gắn với bảo vệ môi sinh, môi trường, không để xảy ra tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm...

1-ybig-1638782407.jpg
Ảnh minh họa

Đồng thời, kiểm tra hiện trạng các cống đập, đê bao ngăn mặn nhằm tổ chức duy tu, sửa chữa, nâng cấp kịp thời, bảo đảm ngăn mặn tốt và vận hành an toàn; có giải pháp xử lý mặn xâm nhập hiệu quả khu vực cuối nguồn, giáp biển Đông…

Trong vận hành các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất Đông Xuân phải phù hợp từng khu vực ứng với diễn biến hạn hạn và xâm nhập mặn với từng thời điểm để vừa phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, phòng, chống thiên tai, tạo tiền đề để nông dân giành vụ sản xuất Đông Xuân bội thu.

Theo đó, khai thác triệt để khả năng lấy nước ngọt trữ trong nội đồng của cống đầu mối Xuân Hòa cũng như cống Rạch Chợ trên tuyến kênh Chợ Gạo phía thương lưu sông Tiền; đồng thời, đóng các cống phía hạ lưu sông Tiền, sông Vàm Cỏ để ngăn mặn triệt để, không cho xâm nhập mặn vào nội đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên tổ chức đo đạc, kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên các tuyến sông Tiền, sông Vàm Cỏ, kênh Chợ Gạo hàng ngày nhằm vận hành lấy ngọt, ngăn mặn một cách hợp lý, hiệu quả. Cập nhật diễn biến xâm nhập mặn và thông tin rộng rãi để các địa phương trong vùng dự án và nhân dân có biện pháp ứng phó một cách hữu hiệu, không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Mặt khác, phối hợp cùng các huyện, thành, thị xã tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp chủ động ứng phó hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2022, bảo vệ trà lúa Đông Xuân gắn với tiếp tục thực hiện đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía Đông theo quy định của UBND tỉnh Tiền Giang.

Trong việc lấy nước ngọt trữ trong nội đồng phòng, chống hạn, mặn, đơn vị chủ động chống úng, ngập cho những vùng trũng thuộc khu vực huyện Gò Công Tây, không để gây thiệt hại cho sản xuất của nông dân. Đối với những địa bàn quá khó khăn, khuyến khích bà con chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả hoặc các cây trồng phù hợp khác.

Ngoài ra, trong sản xuất vụ Đông Xuân, chú trọng áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật thâm canh nhằm giành những vụ mùa bội thu, đặc biệt là áp dụng quy trình canh tác tiết kiệm nước, tưới tiêu theo quy trình ướt – khô xen kẻ, sạ thưa, tích cực trữ nước phòng chống hạn, mặn khi có điều kiện,…

Theo Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, vùng dự án ngọt hóa Gò Công bao gồm các địa phương: thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo. Do nằm khu vực ven biển Gò Công thiên nhiên khắt nghiệt, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai hạn, mặn. Do vậy, việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi trong vùng dự án là một trong những điều kiện tiên quyết giúp cho nông dân tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2021 – 2022 thắng lợi.

Theo quan trắc của đơn vị, những ngày qua, nước mặn đã bắt đầu xuất hiện khu vực hạ lưu các tuyến sông Cửa Tiểu (hệ sông Tiền) và sông Vàm Cỏ. Cụ thể, tại cống Long Hải (sông Cửa Tiểu) mặn trên 2 g/lít xuất hiện từ ngày 1/10 và duy trì đến nay; Cống Rạch Băng (sông Vàm Cỏ) độ mặn 0,90 g/l xuất hiện từ đầu tháng 10/2021 và duy trì đến nay.

Đến đầu tháng 12/2021, do ảnh hưởng xâm nhập mặn, các cống Vàm Giồng, Long Hải, Rạch Băng phải đóng ngăn mặn trong khi cống Xuân Hòa phía thượng lưu đang tích cực lấy ngọt trữ trong nội đồng phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân cho khu vực vùng dự án ngọt hóa Gò Công. /.