Thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều tác động tới môi trường

Nhằm đưa thương mại điện tử Việt Nam từ giai đoạn phát triển nhanh tới một giai đoạn phát triển bền vững, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) với sự đồng hành của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam ( VALOMA) tổ chức Diễn đàn "Hoàn tất đơn hàng 2023 – Hướng tới Thương mại điện tử xanh" vào sáng 21/7/2023, tại Hà Nội.

Thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở nước ta tăng trưởng nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với môi trường, đặc biệt là loại hình bán lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều giải pháp sáng tạo đã và đang được nhiều bên liên quan đề xuất và triển khai, mở ra những cơ hội lớn để thương mại điện tử trở nên thân thiện hơn với môi trường, tiến tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon (các-bon) và giảm thiểu rác thải nhựa.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2023, thương mại điện tử nước ta tăng trưởng nhanh nhưng đã bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường gồm: (i) khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí các-bon) và (ii) khâu đóng gói: hộp carton, bao bì ni lông, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần. Giải pháp giao hàng siêu tốc cũng gây nhiều quan ngại vì làm gia tăng phát thải khí các-bon.

Nhận thức được điều đó, một số doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính, chuyển phát đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, điển hình như Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam. Không chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp, một số doanh nghiệp này còn có những sáng kiến thu hút sự tham gia của đông đảo đối tác kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan như các sáng kiến LazEarth hay Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho người bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

tmdt-vecom-1689934193.jpg
Diễn đàn "Hoàn tất đơn hàng 2023 – Hướng tới Thương mại điện tử xanh". Ảnh: Hương Lan

Mặt khác, sự phát triển của thương mại điện tử sẽ tạo ra công cụ hữu ích góp phần bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động mua bán trực tuyến các sản phẩm, dịch vụ gắn với thu gom, tái chế rác thải không thân thiện với môi trường, mua bán trao đổi tín chỉ các-bon hay thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Đánh giá về thương mại điện tử của Việt Nam, tại Diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nói: “Tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường. Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, bao gồm: Khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói: Hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần đã tác động không nhỏ tới môi trường.

Theo Báo cáo logistics Việt Nam, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành thương dao động từ 10% - 20%. Còn trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ cao nhất khoảng từ 60% - 80%. Chính vì vậy, việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.

Bà Lê Hoàng Oanh đề nghị: “Để thương mại điện tử nước ta phát triển bền vững, thân thiện hơn với môi trường, đồng thời trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh, các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp”.

Bên cạnh đó, theo Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam) Nguyễn Thanh Hưng, hiện nay các chính sách về kinh tế số và thương mại điện tử hiện tại tập trung phần lớn vào các giải pháp phát triển nhanh.

Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có các chính sách thúc đẩy phát triển bền kinh tế số và thương mại điện tử một cách bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, người tiêu dùng trực tuyến và các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics là những đối tượng nòng cốt thực thi các giải pháp thúc đẩy sự bền vững.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia đều nhận định, để thương mại điện tử nước ta phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường, đồng thời trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh và trung hòa các-bon, các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp.

Hương Lan