Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022, Tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề của sự kiện nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

l-1685274233.jpg
Hưởng ứng ngày không thuốc lá 31/5, hãy nói không với thuốc lá

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD (đô la Mỹ). Việc sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Tại Việt Nam, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Công tác PCTHTL được triển khai thực hiện ở Việt Nam từ năm 2015, tập trung vào 3 mục tiêu: nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; tăng cường năng lực cho các cán bộ tham gia hoạt động PCTHTL. Nhiều hoạt động PCTHTL đã được triển khai như: Thành lập ban chỉ đạo PCTHTL các cấp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Luật PCTHTL tới sức khỏe con người; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực PCTHTL cho cán bộ các cấp.

Tổ chức ký cam kết giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về việc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà... Thông qua đó, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến rõ rệt, số người hút thuốc tại nơi làm việc, nơi công cộng đã giảm qua các năm; hầu hết các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc. Ngoài ra, việc thực hiện các quy định của Luật PCTHTL cũng được đẩy mạnh tại các khu dân cư gắn với xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa...

Tuy nhiên, công tác PCTHTL hiện còn gặp nhiều khó khăn như sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng - sử dụng nhiệt để làm nóng mà không đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường, shisha... Đối tượng tiếp cận chủ yếu của thuốc lá điện tử lại là giới trẻ. Bên cạnh đó, tình trạng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn tiếp diễn do chưa được quản lý chặt chẽ; cai nghiện thuốc lá chưa được triển khai triệt để, chủ yếu do nỗ lực của mỗi cá nhân; công tác xử phạt còn hạn chế...

Thực hiện Luật PCTHTL và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5), các địa phương cần tăng cường tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thuốc lá và Luật PCTHTL; thực hiện nghiêm các quy định về PCTHTL và môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật PCTHTL, đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm của UBND các cấp, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đưa nội dung PCTHTL vào hương ước, quy ước tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố.

Treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc như: Khu vực trong nhà tại nơi làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc trong nhà khác, nhà hàng, quán cà phê, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, quán bar, quán karaoke, vũ trường, trên phương tiện giao thông công cộng và địa điểm công cộng trong nhà khác; khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác. Tuyên truyền và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sử dụng thuốc lá trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và việc hiếu, hỷ. Thực hiện nghiêm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật PCTHTL tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở khách sạn, nhà hàng và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị lồng ghép tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong các hoạt động của đơn vị, tổ chức mít tinh, hội nghị, treo băng rôn khẩu hiệu hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá và tuần lễ quốc gia không thuốc lá. Đăng tải các thông tin về lợi ích của môi trường không khói thuốc, tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lào, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; thông tin về tư vấn cai nghiện thuốc lá trên loa phát thanh xã, phường, các trang thông tin điện tử và trên các trang mạng xã hội, fanpage của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị.

Năm nay, Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ để “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Để tiếp tục tăng cường công tác PCTHTL và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2023; vừa qua, Bộ Y tế ban hành văn bản số 2725/BYT-KCB đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31 tháng 5,Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 5 và tiếp tục tăng cường thực thi Luật PCTHTL tăng cường tuyên truyền về Luật PCTHTL; chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá; tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn; kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan, đơn vị.

Đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Luật PCTHTL; đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc; thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép việc kiểm tra thực hiện Luật PCTHTL vào chương trình, kế hoạch kiểm tra của các cơ quan, tổ chức; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng trái phép thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trên địa bàn tỉnh, thành phố…

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ để “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi phí cho thực phẩm.

Tại Việt Nam, với sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, lợi ích của việc xây dựng môi trường không khói thuốc… Công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong giới trẻ. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc lá trong độ tuổi thanh thiếu niên 15-24 tuổi giảm từ 26% xuống 13%. Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Đình Vinh (t/h)