Mơ hồ như khói thuốc

Mặc dù, các quy định cụ thể về xử phạt về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng của nước ta đã có, nhưng thực tế cho thấy, chuyện xử phạt chỉ "năm khi mười họa". Và đến chừng nào các đánh giá tổng kết vẫn ghi nhận “chuyển biến tích cực” một cách cảm quan, e rằng những giải pháp thực thi sẽ vẫn “mơ hồ như khói thuốc”.

Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/5, tại Hà Nội, nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá (25/5 đến 31/5 với Chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá", đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm ở trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, đó là giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%.

anh-1-1684904568.jpeg
Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới

Trong một động thái mới nhất, ngay đầu tháng 5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng giải thưởng môi trường không thuốc lá, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không khả thi.

Theo quy định tại Điều 1 thông tư này, các địa điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp; khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng (cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng); phương tiện giao thông công cộng cấm hành khách hút thuốc lá hoàn toàn (gồm: ô tô; tàu bay; tàu điện)…

Phải khẳng định đây không phải là văn bản đầu tiên liên quan đến xử lý người hút thuốc lá nơi công cộng được ban hành. Trước đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã đi vào cuộc sống 10 năm (1/5/2023) nhưng hiệu quả còn nhiều hạn chế trong thực tế. Chưa kể giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức có liên quan kiểm tra gần 2.000 đơn vị, xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm hút thuốc. Tổng số tiền xử phạt giai đoạn này là 564,9 triệu đồng. Rõ ràng đó một con số quá khiêm tốn - thách thức lớn để thực hiện mục tiêu môi trường không khói thuốc ở nước ta.

Mười năm, gần bằng tuổi thọ trung bình của một bộ Luật ở Việt Nam, nhưng đến nay, khách quan mà nói, Luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi rất nhiều người vẫn còn rất mơ hồ về Luật. Có thể không ít người đã biết đến tác hại của thuốc lá nhưng việc đã có hẳn một bộ Luật quy định rõ về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá, chắc chắn nhiều người còn chưa rõ.

Và vì thế, công việc của những người bán hàng tạp hóa vẫn diễn ra thường nhật. Những bao thuốc lá vẫn được bán cho người có nhu cầu mua thuốc, thậm chí cả những đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi khi đi mua thuốc cũng không nhận được bất cứ sự phản ứng nào của người bán hàng. Rất nhiều người bán hàng khi được hỏi đều không biết hoặc rất mơ hồ về sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Những tủ thuốc với rất nhiều nhãn hiệu thuốc lá được trưng bày công khai bất chấp những điều khoản quy định của Luật đã được ban hành và áp dụng.

Trong khi đó, tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rõ: Hút thuốc lá ở khu vực trong nhà tại các nhà hàng sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống không treo biển “cấm hút thuốc lá”, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá, không tổ chức thực hiện, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại nhà hàng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Thế nhưng nhìn vào thực tế, hiện nay, tại nhiều điểm công cộng như bến xe, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn người dân vẫn vô tư nhả khói, dù có biển cấm hút thuốc đặt ngay bên cạnh.

anh-2-1-1684904624.JPG
Nói không với thuốc lá

Nếu so sánh với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, sẽ thấy có một sự khác biệt không hề nhỏ. Được Quốc hội Khóa XIV thông qua vào giữa năm 2019, chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia song hành với những chế tài mạnh của Nghị định 100 ngay từ những bước đầu tiên, từ đó tạo thành bàn tay thép, mạnh mẽ đẩy lùi vi phạm nồng độ cồn ở người tham gia giao thông.

Từ những bước sải đầy dứt khoát của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong giao thông, soi chiếu trở lại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có thể thấy rõ vấn đề đang nằm ở quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ truyền thông, vận động. Luật đã ban hành, nhưng các văn bản dưới luật chưa đủ tạo ra công cụ để “nạn nhân” của khói thuốc lên tiếng trước chất độc chết người đang hàng ngày bủa vây họ.

Và khi hút hay không hút, ngăn hay không ngăn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự tự ý thức, tự điều chỉnh của các chủ thể liên quan, thì phản ứng của nạn nhân cũng chỉ là những tiếng nói yếu ớt, lọt thỏm giữa khói thuốc mịt mùng.
Vậy nên, 10 năm hay nhiều hơn thế nữa, mọi thứ vẫn sẽ giậm chân, nếu quy định chỉ hướng đến mục đích kêu gọi tự thức tỉnh./.

Báo cáo thống kê của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cho thấy, việc sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.

Xuân Hợp