Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: “Hãy cấm ngay việc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng thuốc lá điện tử”

Vừa qua, Bộ Y tế có công văn gửi các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan đề nghị tăng cường truyền thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Trao đổi với PV Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã chia sẻ thông tin, quan điểm về vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, vào tháng 12/2022, ông có tham gia hội thảo về thuốc lá điện tử được biết, tình hình về thuốc lá điện tử hiện nay ở thị trường Việt Nam hết sức nghiêm trọng, nguy hại đến sức khỏe nòi giống, phức tạp trong quản lý nhập khẩu, thậm chí nó còn liên quan đến ma túy và các tệ nạn khác đi theo.

“Kết luận về hội thảo, mọi người đều nhất trí là phải thực hiện việc cấm ngay sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng thuốc lá điện tử ở thị trường Việt Nam trong năm 2023. Điều này chắc chắn được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ bởi không thể đưa những sản phẩm độc hại vào sử dụng ở thị trường nội địa cho bất cứ đối tượng nào, trong khi mà chúng ta đang mong muốn nâng cao sức khỏe của cộng đồng”.

chuyen-gia-vu-vinh-phu-1683940503.jpg
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú: “Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị liên quan chưa có những động thái quyết liệt để thực hiện kiến nghị này. Chúng ta đang vất vả nhiều năm nay về việc hạn chế tiến tới cấm sử dụng thuốc lá các loại ở nước ta”.

Theo ông Phú, Bộ Y tế đã có thống kê, trong 10 năm qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở người tiêu dùng mới giảm khoảng 2,1%, một con số đã nói lên hiệu quả rất thấp của việc thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Mấy năm nay, lại xuất hiện thêm việc nhập khẩu, phân phối và sử dụng thuốc là điện tử (tạm gọi là thuốc lá thế hệ mới). Như vậy khó khăn lại chồng chất khó khăn, các tệ nạn này tiếp tục xâm nhập ngày càng nhiều vào từng con người sử dụng loại hàng hóa này. Những khẩu hiệu ghi trên bao thuốc lá là “Hút thuốc sẽ độc hại” hầu như không có tác dụng nhắc nhở và răn đe.

Hiện nay, mọi người đều ít nhiều thấy rõ việc sử dụng thuốc lá điện tử ở ngoài đường, nơi công cộng không phải là cá biệt. Các nhà trường đang vất vả để phát hiện việc sử dụng thuốc lá điện tử trong giới học sinh, sinh viên, điều cần lưu ý là khi sử dụng không chỉ mang đến sự suy giảm sức khỏe của người hút mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

“Hàng năm, chúng ta đã phải bỏ bao nhiêu kinh phí để chữa các loại bệnh tật liên quan tới thuốc lá, nòi giống. Sức khỏe của người Việt Nam sẽ suy giảm nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời tệ nạn này. Đứng trước tình hình trên, tôi nhắc lại kiến nghị tại cuộc hội thảo nêu trên là các cơ quan có trách nhiệm cần sớm tham mưu đề xuất việc cấm ngay sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng thuốc lá điện tử”, ông Phú nêu quan điểm.

Ông Phú phân tích, nếu sau khi có lệnh cấm thì đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc, các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm. Cần áp dụng nhiều hình thức từ vận động, giáo dục, thuyết phục đến kiểm tra, phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Nếu thành công trong công tác này, chính là chúng ta đã làm một việc hết sức nhân văn đối với toàn thể cộng đồng, khẩu hiệu “Tất cả vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân” là phương châm hành động của tất cả mọi người dân Việt Nam, chúng ta hi vọng vào kết quả của công cuộc phòng chống thuốc lá “thế hệ mới” sớm thành công trong năm 2023”, ông Phú bày tỏ./.

Lưu Ký