Thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn, nâng cao cuộc sống cho người dân

Nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hiện Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và hình thành 298 cơ sở sản xuất, nuôi trồng đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên với sản phẩm chủ lực là cà rốt, khoai tây, bí các loại, hành tỏi, rau xanh các loại; 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên; 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; 750 trang trại chăn nuôi lớn, vừa và nhỏ; 162 vùng nuôi thủy sản tập trung từ 10ha, 1 HTX được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận thương hiệu cá sạch.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có hơn 1.000 vùng sản xuất lúa, trong đó có khoảng 260 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; khoảng 70 vùng rau màu chuyên canh. Cơ cấu sản xuất trong từng lĩnh vực cũng có sự chuyển biến rõ rệt từ số lượng sang tập trung vào chất lượng, giá trị kinh tế cao. Cơ giới hóa được triển khai mạnh mẽ trong nhiều khâu sản xuất, góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, hiệu quả.

mo-hinh1-1654216202.jpg
Mô hình nhà lưới là một trong những giải pháp sản xuất nông sản an toàn.

Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trên các cây trồng cải bắp, su hào, cà chua xuất hiện ngày một nhiều. Mô hình cánh đồng mẫu theo chương trình Đề tài khoa học: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bắc Ninh”.

Về sản xuất lúa hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa trên giống lúa lai GS999 tại các huyện Thuận Thành, Quế Võ và Lương Tài. Mô hình sản xuất rau an toàn trên cây tỏi, bí xanh, bí đỏ và khoai tây tại các huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ.

mo-hinh-2-1654216246.jpg
Khu chăn nuôi lợn nái của gia đình anh tỷ phú nông dân Đào Viết Xuê, xã Phù Lương (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất cây cam, bưởi an toàn tại huyện Thuận Thành. Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm, hoặc sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trên cây khoai tây tại huyện Quế Võ, cây bí xanh tại huyện Lương Tài, cây hành tại Gia Bình... Mô hình sản xuất dưa lê, dưa lưới an toàn ứng dụng công nghệ cao tại HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Gia Bình); Chăn nuôi lợn thịt an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAHP theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Theo Sở NN – PTNT tỉnh Bắc Ninh, từ việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi đã tạo nền tảng để hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, với sự tham gia của gần 80 cơ sở sản xuất ban đầu trong và ngoài tỉnh. Chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm nông sản an toàn gắn với các sản phẩm của Chương trình OCOP và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó đã có 13 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

mo-hinh3-1654216260.jpg
Bắc Ninh có tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, trong chăn nuôi có 121 cơ sở được chứng nhận bảo đảm vệ sinh thú y; 20 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh; 28 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất ban đầu; 72 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 6 doanh nghiệp chăn nuôi được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đại diện Lãnh đạo Sở NN - PTNT Bắc Ninh chia sẻ: "Đồng thời, việc quản lý an toàn thực phẩm là một chuỗi các hoạt động, từ sản xuất đến sơ chế, chế biến kinh doanh, phân phối và tiêu dùng. Ở mỗi khâu, mỗi công đoạn của quá trình này đều phải bảo đảm, tuân thủ đúng các nguyên tắc, yêu cầu cụ thể. Trong đó, khâu sản xuất ban đầu đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cho cả quá trình quản lý, sử dụng thực phẩm an toàn. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn bảo đảm sức khỏe cộng động, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân".